The Unique



Đó là xứ sở của nước và thạch sùng, quạt điện và xe máy. Ở đó người ta thích đi lại từng đôi, nối đuôi nhau, đu đưa trên những chiếc moto - scooter tí tẹo.

Đôi khi tôi gặp cả gia đình - hai vợ chồng với hai đứa trẻ chễm chệ trên một chiếc mô - tô, dáng điệu ung dung và thích thú chẳng kém gì trên một toa tàu hạng nhất. Xe hơi ư, để làm gì cơ chứ, khi trời ấm áp thế kia?

Có những cô gái dạo phố, cằm tì lên vai chàng xế, đã có đôi mắt của chàng ngắm phố cho cả hai người; có nàng lại ngồi bắt chéo hai chân một phía, vắt vẻo trên yên, trong một tư thế cân bằng kiều diễm chỉ có thể có nhờ sự thanh thoát của cái tuổi mười sáu vĩnh cửu.

Có những nàng tự lái xe, đeo găng tay trắng: ta có cảm tưởng rằng sống là một công việc tỉ mỉ vô cùng.

Bằng đủ thứ giọng, những tiếng còi xe lặp lại liên hồi: "Tôi lên đây, tôi lên nào, cho tôi vượt nhé!". Những tiếng còi nài nỉ nhưng đầy thích thú, dường như chỉ muốn góp thêm nốt nhạc gay gắt của mình vào mớ âm thanh cuồng loạn trên đường. Là tín hiệu và cũng là bánh lái, tiếng còi thay đổi quỹ đạo và các làn xe. Không một ai dừng lại, người ta chỉ giảm tốc độ một chút, rồi ngoằn ngoèo, rồi uốn lượn, rồi luồn, rồi lách... Mềm dẻo giúp tránh va chạm. Không hề có đối đầu; tất cả diễn ra nhờ những đường cong, những cú trượt, những góc vát.


Người ta đã dự cảm hết, chẳng có ai bị bất ngờ về bất cứ điều gì. Tất cả hòa vào một vũ điệu, bắt vào nhịp bay: 37-38 km/giờ - lấy tốc độ để mô phỏng nhiệt độ ngoài trời.

Đôi khi người ta ngắm nhau chút đỉnh, thật nhanh, qua ánh mắt.

Đường phố có mùi riêng, tính cách riêng, hơi ẩm riêng, những nếp nhăn riêng và những vết thương riêng của nó.

Một dòng sông hay một đồng lúa? Lúc cuộn chảy, khi đông cứng, nó trồng cấy những lều tạm, những sạp hàng, những mái che, và những cư dân ngồi xổm vỉa hè.

Là dòng sông, nó trôi, giống như sông Hồng: nó là nồi nước hầm của thành phố.

37 độ C - 38 độ C: nhiệt độ ngoài trời cũng là nhiệt độ trong tim.

Sao mà náo nhiệt thế? Cuộc sống của mình, họ đẩy đi kéo lại, họ chất rồi dỡ, đặt xuống nâng lên, giữ thăng bằng rồi dịch chuyển, họ hiểu khó khăn và cũng biết cố gắng. Dù vậy, sống không có vẻ gì là nặng nhọc. Khi thanh thản ngồi trên bậc cửa nhà mình, dân chúng ở đây dường như chẳng chờ đợi gì khác ngoài cái hiện tại: nó đang hiện hữu, đang đến gần, nó không bao giờ lặp lại, đang bắt rễ, đang lan tỏa. Nó tựa như là vĩnh cửu.

Buổi tối trong quán nhỏ, người ta cất xe máy vào nhà. Trên chiếc giường gấp, hoặc thậm chí ngay trên nền gạch, người ta nằm dài xem vô tuyến, ngực trần trùng trục, chân bắt chéo. Cũng có khi đôi ba người tụ tập, trên bậu cửa hay trên hè phố, nhấm nháp thức gì đó dưới đèn, trong bầu không khí ẩm ướt và đặc quánh của đêm đen mà dường như đen hơn vì hơi ẩm.

Thỉnh thoảng ta cũng có thể đi bách bộ ra bờ hồ, theo chân những kẻ đang yêu, những ông bà già mặc pijama và bọn trẻ, dưới tiếng ve không biết mệt của hàng phượng vĩ.

Ra khỏi thành phố, xa lộ gợi nhớ đến những con đường đất: những ổ gà, bùn, vũng nước, những đoạn cấm, những rãnh xe, những đoạn đá dăm lổn nhổn, và rơm rạ chất thành đống hoặc trải ra phơi kín vệ đường. Đôi chỗ, những đoạn đường đang sửa bị rơm rạ phủ kín hoàn toàn: ngay trên mặt đường người ta đánh đống, lật trở, phơi, bó từng bó và trải ra thành những vỉa hè vàng rực để lũ gà mái lục tục kéo ra tìm thóc.

Bằng cách đó, làng quê đẩy lùi, hay nói đúng hơn là giằng co với thị thành, bướng bỉnh tiếp tục nhịp sống riêng của nó với lỉnh kỉnh đồ thô, kéo theo những con trâu đủng đỉnh và lùa những đàn vịt giữa dòng xe gắn máy và xe tải.

Trong chợ, đường phố thậm chí biến hẳn thành bãi đất với đủ thứ rau quả có vẻ mọc ngay tại chỗ hơn là được đưa từ nông thôn ra. Nó hóa thành một đầm cá, hay thành những cánh đồng với những người nông dân đang đội trên đầu chiếc đèn chùm bằng lá, họ như cũng chui ra từ đất cùng với nón, với xô và quang gánh.

Cả ở đây nữa, hiện tại là một công trường. Nhưng người ta làm việc với những vẻ mặt và dụng cụ không tuổi tác. Rất ít máy móc. Một thế giới thủ công.

Hoa súng, bèo, hoa sen và những bó lúa. Ở đây, cỏ mọc lên từ nước. Nói đúng ra ở đất nước này người ta không sống hoàn toàn trên mặt đất mà trên bề mặt một lớp chất lỏng thấm ướt hoặc bao phủ mặt đất. Người ta cũng không rõ mình đang sống ở thành phố hay nông thôn: nước mang theo cỏ ghé đến sát các ngôi nhà.

Nước cũng có nghĩa là tổ quốc. Phải chăng từ đó mà có âm hưởng từ đàn gỗ, những âm thanh thánh thót mọng nước và những giai điệu trong trẻo có tiếng mưa rơi.

Cơn mưa mau và nặng hạt mang đến những sắc màu mới giá 1$: màu xanh lá cây, màu nước biển, màu hồng, màu vàng và màu tím của những chiếc áo mưa ni - lông rộng một màu trong suốt mà người ta trùm kín người trong lúc đạp xe.

Tựa như loài hà mã, hai con trâu đầm mình dưới vũng nước, ngập đến mắt: một vầng trăng khuyết xám nhô trên mặt nước xám.

Anam, Anamite, Tonkin, Indochine, Cochinchine, Vietnam: đất nước này có bao nhiêu tên gọi? Xin nhắc lại điều Jean Tardieu đã quan sát được ở Bắc bộ: sự mơ hồ và "chuyện cà kê muôn thưở". Xứ sở này là thơ: tôi luôn bị nhầm lẫn điều này với điều khác. Con thạch sùng kia chẳng hạn, nó bám tít trên bức tường trắng của căn phòng và phát ra những tiếng chim kêu. Rồi vuông cỏ, tôi chẳng biết nó là đồng cỏ hay là đầm lầy nữa. Và tất cả nhữngg bóng ma đang trùm kín mũi đang đạp xe kia, những người đàn bà mai danh ẩn tích chỉ chừa lại cho ta thấy đôi mắt đen sau chiếc mặt nạ chống nắng bằng vải trắng.

Đa số mặc áo sơ - mi vải mềm, quần rộng - rất ít người mặc váy, thứ trang phục quá ư bất tiện khi đạp xe hay làm lụng - ít thấy những bộ ngực, ít thấy những đường eo: thân hình của họ so với thân hình đàn ông chẳng khác là bao.

Nếu không phải là màu trắng, những chiếc sơ - mi được trang điểm bằng những sọc mảnh hay kẻ ca - rô, xanh lá cây hoặc nâu sẫm: lại vẫn là đường nét và sắc màu của đất, thứ trang phục của người dân ngay cả trong thành phố.

Một hình ảnh lạ lùng: những con người nhọn đầu kia. Họ có những cái đầu hình nón, dù họ mang quang gánh, kéo xe ba gác, hay đạp xe dưới mưa, chiếc đèn chùm lá nón ấy vẫn đem đến cho họ dáng vẻ của một đứa bé, hoặc của một bông hoa, tôi cũng không biết nữa. Những dáng người nhuốm vẻ bí ẩn: thân thể họ làm thành những mũi tên, hướng lên trời hoặc còng xuống đất. Đó là ngôn ngữ, là dấu hiệu nhận dạng của xứ sở, những mái nhà và tháp chuông di động.

Liệu ta có thể hình dung chiếc nón ấy trên đầu một gã khổng lồ ở Texas hay ở Caucase? Chiếc nón làm ta xúc động đến thế chắc chắn là bởi cách thức mà nó tô điểm và hòa lẫn vào những thân thể mảnh mai: nó rút ngắn gần hết phần cổ và hai vai của người phụ nữ. Người đàn bà mang quang gánh trở thành một chiếc bàn cân với mũi tên là chiếc nón.

Những nấm mồ quần tụ giữa đồng. Người chết nuôi kẻ sống: họ vẫn ở đây, thật gần gũi, guữ cho rau quả tốt tươi, cho cây lúa nặng bông. Họ cùng ăn cùng ngủ với bạn. Người ta lễ cho họ những bó giấy tiền đỏ, những ngôi nhà bằng cạc tông, những đôi giày giấy, rồi cả đài, tivi, xe máy, xe đạp, cả quạt để làm dịu cơn nóng nực và đồng hồ để xem thời gian trong cõi vĩnh hằng. Người ta chế tạo cho họ cả một thế giới hàng mã. Một thứ thơ ca sơn son thếp vàng, chiếc hộp lớn, cũng sơn son thếp vàng, chiếc hộp sẽ tiếp nhận thi hài họ. Những người chết tựa như những bài thơ. Cuộc đời họ được làm từ giấy.

Hãy tưởng tượng một thành phố gồm hai hay ba cái hồ xanh, một nhà thờ lớn màu xám, vài ngôi chùa sơn son thếp vàng và những đường phố: phố bán khuy áo, khóa phéc - mơ - tuya và len dạ, phố ống nước và đồ nội thất, phố hàng mã, phố hàng giày, phố sách vở và đồ chơi trẻ em, phố khóa và chìa khóa, phố bán gấu nhồi và bao nịt vú, phố quạt, phố hàng tre và thang, phố hàng kẽm và inox, phố đồ điện, phố bán búa và liềm, phố đồng hồ quartz, phố com - lê - vét - tông, phố xe máy và những chiếc xe máy của đường phố, xe máy của tất cả các phố, phố chẳng có nơi bắt đầu cũng không có nơi kết thúc, phố xuyên qua thế giới và hòa trộn mọi người qua.

Trong Văn Miếu, đàn rùa cõng vào vĩnh cửu, trên những chiếc mai đá nặng nề, những tấm bia đá ghi tên các vị Tiến sĩ thuộc lòng kinh sử xuân thu.

Một phụ nữ chơi nhạc bằng cách vỗ tay phía trên thứ nhạc cụ giống như một chiếc xylophone, làm từ những ống trúc. Một cô khác đệm theo bằng cách dùng chiếc que nhỏ gãi lên đầu con cóc gỗ.

Có lẽ điều bất ngờ nhất đối với du khách là: dù các hình ảnh hiển hiện trước mắt, thực tại xung quanh họ vẫn cứ như là ảo ảnh, ảo ảnh phiêu du của những ai đến rồi đi quá nhanh, bị hấp dẫn bởi cái sỗ sàng và cái mới, nhưng không sao biết được sức nặng của chiếc xe ba gác, của cái cày hay của chiếc đòn gánh, và cũng không được biết cảm giác nặng nề hay êm dịu khi mệt lử, ngủ thiếp đi bên đống dưa hấu hay đu đủ cạnh đường.

Một chuyến đi cho ta những diện mạo khác, những quan hệ khác. Những nhịp điệu khác. Những cách khác để yêu và được yêu. Nó cho phép ta hy vọng về những cơ hội. Nó muốn tin vào những chân trời: những cuộc đời mơ ước, những cuộc đời sẽ được mở ra lần nữa.

Một bài báo đăng trên tạp chí nước ngoài của một nhà văn Pháp (bản dịch của nhà văn/ nhà thơ Ngô Tự Lập)

Labels: edit post
1 Response
  1. _Đại ca CUA_ _CUAchannel_ Says:

    "Sao mà náo nhiệt thế? Cuộc sống của mình, họ đẩy đi kéo lại, họ chất rồi dỡ, đặt xuống nâng lên, giữ thăng bằng rồi dịch chuyển, họ hiểu khó khăn và cũng biết cố gắng. Dù vậy, sống không có vẻ gì là nặng nhọc. Khi thanh thản ngồi trên bậc cửa nhà mình, dân chúng ở đây dường như chẳng chờ đợi gì khác ngoài cái hiện tại: nó đang hiện hữu, đang đến gần, nó không bao giờ lặp lại, đang bắt rễ, đang lan tỏa. Nó tựa như là vĩnh cửu."
    Vĩnh viễn là như vậy!


Post a Comment