The Unique



Từ trung tâm thành phố Lạng Sơn đi thêm độ 35 cây số theo hướng Điềm He là tới Ba Xã (Văn Quan, Lạng Sơn). Hàng năm, cứ tới ngày 27 tháng 3 âm lịch, đồng bào Tày – Nùng quanh vùng lại kéo về Ba Xã chơi hội lợn quay lớn nhất trong năm.

Thời gian này, đồng bào dân tộc đang “nhàn” hơn vì mạ cấy xong rồi, ngô đã lên chừng ngang thân người, đỗ với lạc thì đang ra hoa. Việc nhà nông bây giờ là lo nước ruộng mạ, làm cỏ bờ, làm cỏ ruộng màu. Cả cánh đồng nương phủ nhiều màu xanh: mạ non xanh mướt, ngô với đỗ xanh thẫm, rừng xanh thẳm...

Photobucket Photobucket

Ngày hội 27 tháng 3, đồng bào Tày - Nùng ở đây thường làm bánh ngải, bánh tẻ, xôi cẩm, và đặc biệt không thể thiếu thịt lợn quay.

Bánh ngải: Là món bánh làm bằng gạo nếp nấu chín, giã nhuyễn với bã lá ngải cứu (đã luộc chín, lọc bỏ nước để tránh dậy mùi và vị đắng của lá), bọc lấy nhân muối vừng lạc. Làm bánh ngải thì công đoạn tốn sức nhất là giã nếp trong cối đá vì nếp rất dính, còn chày thì rất nặng, phải mất gần một tiếng đồng hồ mới làm được 2 cân bánh. Chiếc bánh thành phẩm nhỏ như cái chén uống chè, ăn được ngay, có màu xanh đậm trông rất mát mắt.

Photobucket

Xôi cẩm: Lá cẩm hái về rửa sạch, cho vào cối giã nhuyễn rồi lọc lấy nước, đem ngâm với gạo nếp rồi đồ lên thành xôi. Khi chín, xôi có màu xanh tím thẫm, để nguội ăn rất ngon và mát.

Bánh tẻ (giống như bánh giò ở dưới xuôi): Là bánh làm bằng bột gạo tẻ (ngâm nửa ngày) rồi nấu chín, dùng với nhân trộn (thịt, mộc nhĩ, hành khô) rồi gói trong hai lần lá chuối, hấp trong vòng một tiếng đồng hồ. Bánh tẻ để nguội ăn với nước xốt nóng gồm dấm, cà chua và thịt băm thì rất “vào”.

Photobucket

Thịt lợn quay: Đây là món quan trọng nhất, được mong đợi nhất và là “linh hồn” của hội 27 tháng 3. Thịt lợn quay ở Ba Xã ngon nổi tiếng nên người dân từ ngoài thành phố cũng cất công kéo đến mua cho được vài cân mang về. Hội kéo dài cả ngày nên con đường núi quanh co dẫn vào Ba Xã nhộn nhịp hơn thường lệ.

Người ta phải chuẩn bị nguyên liệu trước ngày hội cả tuần. Loại lợn đem quay thường nặng từ 30 đến 40 cân, không to quá để tránh ngấy vì nhiều mỡ, không nhỏ quá để tránh bị xơ. Lợn mổ xong thì nhồi lá mác mật tươi (đã tẩm gia vị như muối, tiêu, đường) vào bụng lợn rồi khâu kín lại.

Photobucket

Lá mác mật là thứ phụ gia đặc trưng ở Lạng Sơn và không thể thiếu khi quay thịt vì nó làm thịt dậy mùi thơm và ăn không bị ngấy. Lá mác mật (loại bánh tẻ) đem xào với măng tươi rất thơm. Quả mác mật (trông hơi giống quả quất hồng bì) thường được ngâm làm măng ớt hoặc ngâm chua xào với thịt cũng rất đậm đà.

Photobucket

Người ta lấy đòn tre dài xuyên dọc mình con lợn rồi đem gác lên hai cây chạc ba, bên dưới là than hồng rừng rực. Quay lợn là việc làm rất công phu, than không được cháy lớn quá, lợn phải được quay tròn liên tục. Khi da lợn se lại thì phết mật ong lên mình lợn để cho da giòn, không bị bong nứt mà lại thơm đậm đà hơn. Phải mất khoảng ba tiếng đồng hồ mới quay lợn xong.

Photobucket

Ngày hội 27 tháng 3, chợ Ba Xã đông hơn những ngày phiên rất nhiều. Người lớn đi chợ mua đồ cho gia đình, mua lợn, gà, vịt giống, mua hạt giống, hoặc đơn giản là để cùng nhau dạo chợ mà chẳng mua gì.

Photobucket Photobucket Photobucket Photobucket

Cả một dãy dài, dễ đến vài chục sạp quanh chợ bày la liệt những con lợn quay đỏ au. Mùi thơm lừng của thịt và lá mác mật kéo người ta tới gần, mua rồi mà vẫn nán lại vì... thèm, nán lại để nhìn cho... no con mắt.

Nguyễn Hoàng Quỳnh Hương

The Unique

Sau khi đã năn nỉ ỉ ôi ông cậu để chiếm đoạt cái xe máy Tàu biển Lạng Sơn chính hiệu, hai “nữ nặc nô” leo lên xe, đánh áo cộc tay và quần ngố, riêng cô em Khủng long còn chơi cả... guốc! Máu dek chịu được.

Đi một đoạn được em Thạo dẫn đường lên Lộc Bình, nó dặn: “Chị đi một đoạn đến chỗ bên phải có cây xăng thì đổ xăng”.

Profile EM THẠO

Em Thạo hồi trước làm cho nhà hàng, giờ đi học làm bánh bao. Nhưng cứ làm cái gì cũng làm tốt, làm cái gì cũng được khen, được quý, được giao cho rất nhiều việc quan trọng. Học xong thì làm bánh ngon hơn cả ông thầy làm, hehe, bao nhiu người đặt hàng. Em Thạo bán hàng và nói chuyện thì duyên “thôi rồi”, cứ một “dạ” hai “vâng”, ai cũng thích. Em Thạo mắt nâu nâu, lông mày rậm, lông mi dài, mắt ướt và điệu cực. Em Thạo có nụ cười rất là dễ thương và ngoan, một thằng con giai ngoan và biết đối nhân xử thế. Em Thạo bằng tuổi mình

..............

Đi tới một cái chợ, bao nhiêu là khoai tây với mía. Mua một cây đi lên đỉnh Mẫu Sơn ăn cho nó có... nước! 5000đ/cây. Không có “văn hóa nilon” nên đành tống bó mía vào... túi xách (mà em Khủng long vẫn dùng đi học), chị bé ngồi sau ôm khư khư như ôm... “của quý”.

Đi độ 15km thì xuất hiện 1 cái biển: Mẫu Sơn – 15km. Hix, bắt đầu đoạn đường chỉ có leo và leo, chỉ có dốc và dốc, chỉ có về số 2 và số 1... Càng lên cao không khí càng loãng, chị càng thấy mát thì con em càng kêu lạnh, đến mức phải lôi cái áo khoác (đã chuẩn bị sẵn ở nhà) ra mà mặc.

Gió càng mạnh, đường càng vắng, mây mù mù dần. Nếu như dưới kia còn ngỡ ngàng vì cả vạt dài rừng thông, ngọn đâm cứng khỏe như những cây nến cắm trên giá, thì lên cao lại ngỡ ngàng vì những làn mây mờ. Rừng khoác áo mây...

Khủng long rít lên: “É é, lạnh quá chị ơi!!!!!!”

Chị cười hả hê: “É é, mát thế, ồ ôi mát thế, ôi giời ơi thích thế!!!!”

Hãy tưởng tượng, 15 cây số, đường đi nhỏ mà chỉ có quăng và quăng, đi đoạn này thì nhìn thấy đoạn kia ở ngay... bên phải mình, nhiều đoạn cua chả thấy đường, đã thế lại không có cái gương cầu nào cả.

Đến khoảng dăm cây số cuối cùng thì dốc rất ngầu, hai bên đường đều phải có xà lan, quanh co đến mức đứng ở dưới mà nhìn thấy một dải mấy cái chữ Z hẹp nối nhau liên miên, trông như có ai đó tức giận mà cầm dao chém lia lịa lên lưng núi. Vừa đi vừa hét vì... khoái quá.

Tips for Mẫu Sơn tour:

1. Không có xe du lịch lên Mẫu Sơn đâu, thế nên ai muốn lên thì có những cách là: thuê xe máy, thuê ôtô du lịch, thuê taxi. Gửi xe máy ở đâu thì tùy, nhờ mấy cô bán hàng ở đấy cũng được, giá chung 2000đ/xe. Nhớ đem theo áo khoác (kể cả mùa hè) nếu không muốn rơi vào cảnh “chơi đàn bằng răng”.

2. Khi đi nếu thích mang đồ ăn sẵn thì ok, không thì chỉ cần mang theo chai nước lọc cũng được. Trên ý họ vẫn thường đem nguyên một con lợn quay lên, ai có nhu cầu là xẻ ngay, ăn bốc với lá mắc mật ngon chết thôi. Ngồi giữa bao nhiêu sương với mây, gió lạnh run người (dù đang giữa trưa) mà bốc thịt quay, lại thêm tợp rượu thì cứ gọi là sướng hơn tiên Mẫu Sơn. Có bọn còn mang cả vịt với lợn + than củi lên quay cơ đấy! Khói nướng thịt với mây cứ hòa vào nhau... thơm lừng.. ực ực...

Thịt lợn quay, phần ba rọi là 100.000/kg, phần mông là 120.000đ/kg. Hix, nhưng mà bột canh với chanh thì phải mua riêng mới cay chứ, 2000đ/quả chanh, khuyến mại bột canh. Nhớ xin thêm nhiều nilon để xài dần. Và nhớ mua 1 cuộn giấy ăn mà chùi.

3. Hàng quán cực ít, chỉ có độ dăm người bán mấy đồ ăn linh tinh, nước, thuốc lá cây, mật ong, chè San tuyết. À, chè thơm lắm, giá 50.000đ/500gr. Khi về có thể mua mận và đào. Đào Mẫu Sơn ngon một cách miễn bình luận.

4. Không khí thoáng, không gian thì thênh thang, sạch sẽ nên cũng chả cần phải giấy báo hay áo mưa gì đâu. Có đoạn còn thấy một đôi tình nhân ngồi “nguyên một cục” trên đỉnh một quả núi, bao quanh là rừng, lãng mạn vãi!

5. Ăn xong nhớ dọn rác, vứt đúng nơi quy định để đảm bảo môi trường sạch sẽ.

...........

Đang ăn bốc lúc 12h mà con em tương vào người cả hai cái áo khoác, đắp thêm 1 cái sơ-mi lên chân. Con chị thì gào lên phấn khích vì cảm giác mát mát tê tê. Mây đập vào mặt, vào người, gió phần phật. Vừa ăn vừa ném xương và mỡ cho một chị... chó đang luẩn quần chờ đợi.

Ăn xong (3 lạng thịt) lại lôi mía ra róc bằng răng, nhai gau gáu như người nguyên thủy. Sao mà sướng thế hả giời?

Nghỉ ngơi, rồi lấy xe xuống đoạn lưng chừng, chỗ ấy đang nắng to dù trên này đang co ro. Dưới đó có nhiều thông, nhiều nắng, có chỗ đỗ xe nên có thể chụp ảnh, núi chen núi trông rất là thích. Đặc biệt là có thể nghe tiếng thông reo rì rầm, cảm giác rất khoan khoái. Thề!

...............

Note: Vì mải chơi nên mình có kết cục bi thảm: đi xe đạp, chở 1 đống đồ mang từ Hà Nội lên, và đoạn đường dài 16km!!!!!!!!!!!! Choáng! Mấy chị em cứ rong ruổi, chỗ nào dốc lại xuống đi bộ, xong rồi lại leo lên xe, cẳng mỏi rã rời. Mãi đến cây số 16 thì bà dì cho mượn xe máy, mình đành phải hy sinh thân gái, chở lên xe tất cả: 1 thùng bia Halida, 3 túi đồ (mỗi cái độ 3kg – buộc sau lưng), 2 ba-lô (mỗi cái độ 3 cân – ôm đằng trước) và 1 ba-lô (3kg, có laptop – đeo trên lưng).

Ép người lọt thỏm giữa đống đồ. Phóng xe bạt mạng, không mũ bảo hiểm, 7km đường núi quanh co chẳng kém Mẫu Sơn. Thanh niên Thổ trợn mắt nhìn gái dưới xuôi. Đến dốc Kéo Càng... ôi ôi, phanh cả tay lẫn chân. Đến cái dốc vào Bản Háu, lại đi số 2, phanh cả tay lẫn chân tiếp. Oài, thế mới là con gái chứ!

Đang chuẩn bị ăn cơm thì bị dì đòi xe cho cậu đi Ba Xã lấy đồ làm Hội 27 âm lịch. Hix, lại 2 chị em, 2 xe máy, 7km đường núi. Chỉ có một điều... khác và rất rùng rợn, đó là gái xuôi mặc váy đen hoa đỏ, áo hai dây đỏ, phóng xe giữa đất thổ vào lúc 8h tối. Kinh hoàng, nhiều lúc đi đường còn chả biết đang... đi đâu, chả thấy con em đâu (nó đi bốc lắm, toàn đi 50).

Đường đêm, đi có 1 mình 1 xe, gió núi mát rợn rợn, tối như hũ nút và không bóng ma nào. Cứ thế, quanh co, dốc, tối thui, một mình, lặng lẽ...

Hehe, nhưng vì bản lĩnh cao cường nên 7km đường rừng, dù có dài loẵng ngoẵng và đáng sợ như một hồn ma to bự thì cũng không làm gái xuôi sợ hãi.

Buổi tối được ăn canh gà, rau ghém mà cậu nấu, ngon đến quên hết hơn 100km tổng cộng của cả ngày 30/4 (70 Mẫu Sơn+30 bản Háu)...

PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket PhotobucketPhotobucket Photobucket PhotobucketPhotobucketPhotobucket Photobucket Photobucket Photobucket Photobucket Photobucket Photobucket Photobucket

Hẹn một entry cho ngày hôm sau: Hội 27/3, hội Lợn quay Ba Xã... ôi lợn!

The Unique



Bài này bên TTCT có một bài tổng hợp nhưng ngắn quá, không đủ dùng nên tớ quyết định dịch toàn bộ lại để phục vụ nghiên cứu khóa luận, hehe

Trích bài nói chuyện của Jan Schaffer – Giám đốc điều hành Trung tâm báo chí công dân Pew, Washington, Mỹ

Báo chí luôn cần làm sáng tỏ hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nhằm hỗ trợ hoạt động của chính quyền cũng như đem lại cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng. Điều này có vẻ “đơn giản” nhưng lại đủ khiến cả những chuyên gia báo chí kỳ cựu cũng phải trăn trở. Có vấn đề lợi ích, có sự bùng nổ công nghệ thông tin tiên tiến, và có cả những “tật” nghề nghiệp đang làm vơi dần lòng tin từ độc giả.

Công nghệ thông tin hiện đại phát triển khiến chúng ta phải nghĩ lại xem: “Nhà báo là ai?” và “Báo chí là gì?”

Khi việc lướt web ngày càng thông dụng thì công chúng báo chí cũng bắt đầu tham gia cung cấp thông tin. Có khi họ là cả một tổ chức săn tin, kể những câu chuyện mà báo chí... kể sai, có khi đưa tin trước khi nhà báo phát hiện ra. Họ tập trung vào tin tức địa phương mà phần lớn các báo và nhà báo không có đủ “lực” để tìm nguồn. Vậy thì trong khi “nghĩ lại”, chúng ta hãy tính đến cả “Báo chí tham dự” và “Nhà báo công dân” khi xem xét đồng thời với các chuẩn mực cũ.

Báo chí công dân góp phần đưa báo chí về đúng với chức năng cung cấp thông tin. Alexis de Tocqueville, một người Pháp chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong cách Mỹ, đã từng nói từ 170 năm trước rằng: “Anh không thể có báo chí thực thụ nếu thiếu tính dân chủ, và anh cũng không thể có nền dân chủ nếu thiếu báo chí”. Đây là phần “mặc định” trong nghĩa vụ của báo chí, cũng là một lý do để báo chí, ở bất cứ đâu, cũng đều nằm trong sự bảo vệ mang tên “hợp Pháp” và “hợp Hiến”.

Báo chí công dân hướng tới việc:

- Duy trì những đóng góp tích cực của báo chí

- Xây dựng mối liên hệ với độc giả

- Kể chuyện theo lối mới và hấp dẫn hơn

- Xây dựng lớp “Công dân báo chí” mới

Nếu bạn là nhà báo thì bạn không nên tự bằng lòng với việc “làm tốt nhiệm vụ được giao”. Lực lượng báo chí có uy tín trong một xã hội dân chủ phải làm việc xứng đáng với vị trí của mình.

“Nhà báo công dân” ra đời từ chính mối quan tâm thực sự của người dân đối với báo chí. Nhiều cuộc điều tra cho thấy công chúng đang nhận ra ranh giới “mờ nhạt” giữa “kể” và “tả” mà chính nhà báo cũng khó có thể phân định rạch ròi. Giới truyền thông bây giờ phải tốn công hơn rất nhiều bởi họ đang phục vụ những công dân ưu tú chứ không đơn thuần là công chúng tiếp nhận. Nhiều người còn cho rằng báo chí dường như không thể “chạm” tới công chúng, thậm chí còn bị lôi tuột đi đâu với những lợi ích kinh tế ở “khu vực nhạy cảm”.

Jim Lehrer, chỉ đạo sản xuất chương trình NewsHour trên kênh U.S. public television, đã nói: “Báo chí, như có người nhận định, đang có hơi hướng của một trận chiến giữa các chuyên gia. Đứng ngoài mà xem thì được, nhưng chớ có tin vào đó”.

Có những cái “tật” nghề nghiệp mà ngày càng nhiều phóng viên mắc phải như:

- Chất đống thông tin

- Chỉ luẩn quẩn với máy tính

- Đặt một tràng câu hỏi thừa mứa

- Dự đoán đánh “vèo” các câu trả lời

- Chỉ ngừng nghe để cắm cúi ghi chép những ý “gợn gợn”

- Sẵn sàng làm người đối diện phải bối rối khi câu chuyện “có vấn đề”

- Thỉnh thoảng lại chọc ngoáy vào những hành vi lặp lại của người đối diện

Trung tâm báo chí công dân Pew (www.pewcenter.org)

The Pew Trusts (1993) đã thành lập Trung tâm Pew nhằm trả lời cho câu hỏi: “Nếu nhà báo tác nghiệp theo kiểu-nhà-báo thì liệu công dân có thể làm việc theo kiểu-công-dân không?” Tất nhiên, câu trả lời ngắn ngọn là: “Có”.

Pew đã thực hiện 120 dự án thực nghiệm để tìm kiếm chuẩn mực thông tin mới nhưng vẫn hướng tới những giá trị chung là: Chính xác, Khách quan, Độc lập và Trung tính, đồng thời vẫn thu hút được sự chú ý của đông đảo công chúng.

Pew cũng tiến hành 650 dự án, đào tạo hơn 4.000 nhà báo, sản xuất 65 video và ấn phẩm đào tạo, trao 30 giải thưởng báo chí công dân xuất sắc.

Năm 1993, tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ có tên là The Pew Charitable Trusts đã nhập cuộc. Họ cho rằng tính dân chủ đang dần bị xói mòn, và rất có thể, chính vì báo chí cũng không còn “nguyên lành” nữa.

Nhiều “nhà báo công dân” thắc mắc xung quanh vấn đề: “Chúng ta đang xây dựng một quốc gia thế nào? Công dân của nó chỉ toàn xem kiểu tin “lạ” hay là công dân tham gia quyết sách trong một xã hội tự quản?” Họ muốn đóng góp vào việc:

- Duy trì vai trò thông tin của giới truyền thông, đồng thời nhấn mạnh những tiêu cực và bất bình đẳng.

- Ngăn chặn hình thức gây náo động ở môi trường truyền thông vốn đã quá ồn ào.

- Nâng tầm trách nhiệm của những người lãnh đạo biết “nhìn xa trông rộng”, giúp mọi người nhận thức được vai trò và nhiệm vụ của họ một cách công khai, dân chủ.

Trào lưu báo chí công dân nảy sinh từ đầu những năm 90 cùng với những hình thức tường thuật bầu cử mới, đó là:

- Tránh kiểu “tường thuật đua ngựa” – “Ai đang dẫn đầu? Kế đó là ai?” Với kiểu đó thì cử tri chắc chắn sẽ nhủ thầm: “Đã biết ai sắp thắng thì bầu cử làm gì?”

- Tập trung hơn vào kết quả cử tri đi bầu chứ không phải là “rình” từng động thái của ứng cử viên khi họ vận động từng nhóm cử tri.

- Phác lên bức tranh bầu cử như là một “hợp đồng lao động”: “Chúng ta muốn “thuê” ai để lãnh đạo Chính quyền?”, “Cử tri cần biết những thông tin gì để quyết định lựa chọn?”

Tiếp cận “báo chí công dân”

“Báo chí công dân” là một khái niệm phổ biến mà qua đó, người ta đánh giá được mức độ hiệu quả thông tin mà những người không-phải-nhà-báo đem lại trong bài báo của họ, khiến cho họ không có cảm giác “thấp cổ bé họng” hoặc là “bị cho ra rìa”.

“Nhà báo công dân” tự đặt cho mình trách nhiệm làm cho công chúng phải động não và đi đến hành động cụ thể chứ không chỉ đơn giản là kéo người ta tới rồi liếc mắt hoặc nhìn chòng chọc. Tuy nhiên, “Nhà báo công dân” không chỉ dẫn cho công chúng nghĩ CÁI GÌ và làm THẾ NÀO. Họ đặt mình ở vùng trung tính, trang bị cho công chúng những thông tin, phương pháp hoặc đề xuất giải pháp tháo gỡ vấn đề.

Cũng tương tự một trận cầu. Anh có thể bao quát từ khán đài dành cho báo chí, cách xa phía trên sân cỏ, khách quan và không can thiệp. Nhưng báo chí thì cần có sự bao quát với tư cách nhập cuộc như một trọng tài. Việc của anh là phải nắm chắc luật thi đấu và giữ cho cuộc chơi diễn ra công bằng. “Nhà báo công dân” nhìn thấy vai trò của họ gần với trọng tài hơn là người đứng ngoài mà kể lại cuộc đấu đó.

Tiếp cận “Báo chí công dân”, chúng ta cần nắm rõ:

- Quan niệm mới về tin tức

- Nguồn tin mới

- Cách tương tác mới với người đọc

- Danh sách câu hỏi trắc nghiệm tâm lý

“Tin tức” là gì?

Có một cách mà nhà báo công dân thường gắng để làm khác với nhà báo, đó là đi tìm khái niệm mới về tin tức. Bản nghiên cứu dưới đây cho thấy các nhà báo đã thay đổi đột ngột quan niệm về “tin tức” hơn 25 năm trở lại đây, hầu hết đều là phản ứng từ thúc đẩy của thị trường:

- Năm 1977, 01/03 bài viết ở trang bìa tại Mỹ đều có nội dung về chính quyền. Năm 1997 (20 năm sau), con số đó là 01/05, giảm 38%.

- Số lượng bài ở trang bìa về các lễ kỷ niệm hoặc giải trí thì tăng vọt từ 01/50 (1977) lên 01/14 (1997).

- Lượng bài về các vụ scandal tăng gấp 3, từ 01/25 (1977) lên 01/08 (1997).

“Báo chí công dân” mở rộng quan niệm về tin tức, đó là:

- Có sự bao quát toàn diện cả mặt mâu thuẫn và mặt tán đồng

- Có sự tổng hòa cả giải pháp cũng như kết quả

- Ngăn chặn hình thức “tính công điểm” trong khi làm báo

- Viết-câu-chuyện-thật và viết-thật-câu-chuyện

Hầu hết các nhà báo quan niệm đã là tin tức thì phải chứa đựng mâu thuẫn, theo kiểu “xung đột kịch”. Có khi bạn gửi thông báo mời phóng viên tới cuộc họp mà ai cũng tán thành điều gì đó thì họ sẽ muốn về ngay và nói với Tổng biên tập rằng: “Chẳng có quái gì cả”. Các nhà báo có vẻ thích viết về những mâu thuẫn và thích có mâu thuẫn để... viết.

“Nhà báo công dân” thì sao? – Họ cố gắng điều tra, thăm dò xem vì đâu mà người ta đồng tình hoặc không đồng tình, họ kiểm tra kết quả của giải pháp đang được vận dụng lại tại chính cộng đồng của mình.

Tập trung cho giải pháp

Tờ The Savannah Morning News lôi cuốn công chúng tìm giải pháp vực dậy tình trạng thi trượt ở Savannah (vốn đang ở mức tệ hại nhất nước). Sẽ chẳng có gì mới nếu chỉ viết về điểm bài thi của học sinh, lượng học sinh không đủ tiêu chuẩn vào trường, ý kiến của phụ huynh và học sinh, kiến nghị của nhà trường tới chính quyền địa phương... Vậy tờ báo đã làm thế nào?

- Tờ báo triệu tập nhóm phóng viên công dân tác chiến. Nhóm này sẽ trò chuyện với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà giáo dục, phụ huynh và học sinh.

- Nhóm tác chiến cùng với phóng viên báo tham quan mô hình chương trình học chuẩn khắp nước Mỹ.

- Công dân đóng góp bài vở cho báo về những gì họ thấy ở chính địa phương mình.

- Nhóm tác chiến sẽ tổng kết lại bằng kế hoạch hành động.

- Sau khi chương trình hành động kết thúc, công dân lại tập trung và lập nên tổ chức phi lợi nhuận nhằm gây quỹ cải thiện cho trường học.

Như vậy, tờ báo sẽ có được nhóm “công dân báo chí” của mình khi họ:

- Thực sự muốn tham khảo ý kiến của những người dân bình thường.

- Hiểu được giá trị thông tin từ phía công chúng.

- Phát triển đội tác chiến để vận động bài vở và động não tìm giải pháp.

- Kiểm nghiệm giải pháp có dấu hiệu khả thi.

- Xây dựng “năng lực công dân” cùng những trách nhiệm để giải quyết vấn đề.

Suy nghĩ lại thói quen làm báo

“Nhà báo công dân” nhận thấy rằng đôi khi những nguyên tắc làm báo, trên thực tế, luôn ảnh hưởng đến tác phẩm.

Tờ The Orange County Register (bang California) kể chuyện về những đứa trẻ nghèo sống ở những khu nhà tạm ngay bên kia đường là Disneyland. Không hề có sự nhập vai của chuyên gia nào, cũng không theo kiểu “người ta bảo rằng...”. Lũ trẻ không phải là đối tượng để người ta bàn tán trong câu chuyện, mà chúng chính là câu chuyện, với lời nói và hình ảnh của chính mình. Điều này hoàn toàn không theo lối làm báo thông thường. Vậy thì có phải là “đi ngược nguyên tắc” không?

Và phản ứng thì vượt cả sức tưởng tượng: hơn 1.100 người gọi điện tới tòa soạn và đề nghị ủng hộ 200.000USD, 50 tấn thực phẩm, 8.000 món đồ chơi và hàng ngàn giờ tình nguyện. Riêng địa phương cũng chi 1 triệu USD cho chương trình xây nhà từ thiện. Một tổ chức phi lợi nhuận phát động chiến dịch ủng hộ 5 triệu USD để chăm sóc y tế cho những gia đình nghèo.

Sau sự kiện này, phóng viên báo kể rằng điều khiến cô ấy ngạc nhiên là làm thế nào mọi người lại có thể cùng nhau tập trung tìm ra giải pháp được như thế. “Một câu chuyện tương tự, được kể theo lối cũ thì rất có thể khiến cho chính quyền phải dè chừng. Thế nhưng với cách tiếp cận này thì không ai có cảm giác mình đang bị quy kết trách nhiệm cả. Và như vậy, thay vì tốn công sức để biện hộ, người ta đã “xuống đường” để giải quyết khó khăn”.

Thế nào là “cân bằng”?

Nhà báo thuật lại cả hai mặt của câu chuyện và bảo rằng: “thế là cân rồi nhé”. Nhưng “nhà báo công dân” thì cho rằng đó không phải là công bằng, mà là “ba phải”. Hơn nữa, nó còn dẫn tới tình trạng “tính công điểm”, làm quấy quá, khi anh nhà báo chỉ lo làm cho xong nghĩa vụ. Vấn đề là ở chỗ người đọc không quan tâm tới “công điểm” đó, vị trí nào thì cũng thế mà thôi.

“Cân bằng” là mức độ trung gian chứ không phải điểm cực. “Nhà báo công dân” cố gắng khẳng định rằng tất cả mọi người đều có thể bày tỏ quan điểm. Nói một cách hóm hỉnh, thay cho việc kể “ở hai đầu câu chuyện” thì họ bao quát “bốn phương tám hướng”.

Cân bằng, nhưng phải có phát hiện mới. Xung quanh việc trưng cầu ý kiến xây dựng hệ thống bao lơn ánh sáng từ Norfolk, Virginia đến khu nghỉ dưỡng ở bãi biển Virginia. Rất nhiều ý kiến phản đối công trình này với lý do là nó quá tốn kém, lại thêm cả thuế phụ trội.

Tuy nhiên, phóng viên của tờ The Virginian-Pilot là một nhà báo công dân. Anh ta lắng nghe kỹ càng, tóm lại thành một văn bản ngắn về cuộc tranh luận. Sau khi phỏng vấn thêm, anh ta (thật dũng cảm) kể một câu chuyện, không phải về giao thông, mà về nạn... phân biệt chủng tộc. Anh ta “lý luận” rằng việc phản đối xây dựng hệ thống bao lơn thực ra là vì người ta không muốn dân da đen từ Norfolk được đi lại dễ dàng sang bãi biển Virginia mà thôi.

Phát triển nguồn tin mới

Nhà báo công dân triển khai mạng lưới cung cấp thông tin từ địa phương, được gọi là “lộ trình công dân” với các khâu:

- Xác định tôn chỉ của tờ báo, quan điểm của tờ báo đối với sự kiện.

- Lên danh mục nhóm đối tượng với những cá nhân thu hút được sự quan tâm của nhà báo (thật hài hước khi các chính trị gia nắm rất rõ những đối tượng đó là ai thì nhà báo lại rất kém khoản này):

+ Nhóm “xúc tác” – những “điều tra viên không chính thức”. Họ giúp hoàn thành công việc mà không hề đòi hỏi “danh phận”.

+ Nhóm “kết nối” – những người hoạt động trong cộng đồng – những “công dân ong thợ”. Nhóm này trải khắp các khu vực khác nhau và luôn nắm được thông tin đầy đủ về những gì đang diễn ra nơi mình sống.

- Luôn để những cuộc bàn luận “mở”.

- Cùng họ kiểm tra bài vở, hỏi và lắng nghe ý kiến của công dân.

- Hỏi về những từ, cụm từ họ dùng vì chưa hẳn công chúng và nhà báo có chung cách hiểu về một đối tượng tưởng chừng rất quen thuộc.

Một khi công dân thấy quan tâm và lắng nghe, họ sẽ gọi và cung cấp thông tin cho tờ báo trước tiên. Còn trong trường hợp tờ báo phải đối mặt với một dãy dài những điều luật đe dọa mối liên hệ giữa tờ báo với công chúng họ sẽ là chỗ dựa cho tờ báo.

Tương tác mới với độc giả

“Báo chí công dân” tìm kiếm cách “trò chuyện” hai chiều với độc giả, chứ không phải là hình thức thông tin một chiều. Một trong những dự án báo chí công dân thành công nhất mọi thời đại là loạt bài "Taking Back our Neighborhoods" của tờ The Charlotte Observer. Chương trình này thăm dò tình trạng tội phạm ở 10 địa bàn dân cư. Họ vận dụng mọi cách thức làm báo chí công dân, bao gồm:

- Cộng tác viên truyền hình và phát thanh

- Các câu chuyện kể liên tiếp tại các gia đình để giải quyết vấn đề tội phạm đan xen câu chuyện về tình trạng gia tăng tội phạm ở địa phương.

- Những ý kiến tham luận của người dân trong buổi tiếp dân ở địa phương.

- Danh mục “Việc cần làm” chi tiết về nguyện vọng của người dân cùng với số điện thoại của một địa chỉ có trách nhiệm.

Hơn 1.200 người đọc đã gọi điện tới số máy đó bởi tờ báo giúp họ thấy họ có thể làm gì. Điều “Điều kỳ diệu” là những cải thiện mà chương trình này mang lại thì kéo dài đến tận 10 năm sau, tình trạng tội phạm giảm đi, thêm nhiều trạm y tế, thêm hệ thống đèn đường, trung tâm văn hóa cũng được xây dựng. Người ta rất biết ơn tờ báo vì điều đó. Tờ báo không bảo người ta làm cái gì mà chỉ đơn giản là đưa ra một loạt lựa chọn, đó là hoạt động xây dựng “cộng đồng tham dự”.

Chúng ta biết gì về “báo chí công dân”?

Từ nghiên cứu có tính chất độc lập và hàn lâm, dưới đây có thể là những điều ta biết về “báo chí công dân”:

- Nó tạo nên “hành vi công dân”, từ việc tham gia ý kiến đến tự nguyện hành động, “báo chí công dân” lôi cuốn người dân trở thành một phần câu chuyện. Công chúng sẽ nhập cuộc “lộ trình tham dự” mà báo chí đưa ra.

- Nó xây dựng một nền tảng tri thức. Những công chúng tham dự sẽ hiểu biết nhiều hơn về cộng đồng, hơn là những người chỉ biết đứng nhìn.

- Nó đặt nền móng cho niềm tin và mối liên hệ cộng đồng. Người dân tin tưởng nhiều hơn vào cơ quan thông tấn sau những gì tờ báo làm được cho họ.

- Công chúng nhiệt tình tham gia bởi tự họ được làm mọi việc.

- Nó dựa trên nền tảng “cộng đồng tham dự” để đề ra phương hướng giải quyết vấn đề.

- Nó kể chuyện với “tinh thần mới”, “dáng vẻ mới”.

“Dữ dội” hay “dịu êm”?

Nhà báo có khi là người làm lắng ồn ào, cũng có khi “chọc ngoáy” cho nó nổ tung. Báo chí công dân thì tìm cách bao quát cả những góc yên tĩnh nhất trong đời sống cộng đồng. Nơi yên tĩnh nhất có thể chính là nơi gây nên nhiều nhức nhối nhất.

Câu chuyện có thể không “chơi trội” mà cứ âm ỉ, rí rách, đôi khi chẳng được người ta để ý giữa bao nhiêu dòng tin nóng trên trang nhất tờ nhật báo. Bằng cách này, tờ báo cóp nhặt từng câu chuyện về những con người riêng lẻ để dần khẳng định tên tuổi của tờ báo thay vì biến mình thành một “hoạt náo viên”.

Loạt bài “New City” của tờ The San Francisco Examiner cho thấy những hệ quả và thay đổi của tình trạng nhập cư đối với cuộc sống tại đây, từ các nhà hàng, phim ảnh, thể thao, trường học cho đến cả loại nhạc mà người ta hát trong các bar.

Loạt bài "Deadliest Drug: Maine's Addiction to Alcohol” trên tờ The Press Herald (Portland, tiểu bang Maine) đã châm ngòi cho cuộc tham dự của công dân trước sức tàn phá khủng khiếp của tệ nghiện rượu. Tờ báo đưa ra một loạt những con số về tai nạn giao thông, cháy nhà, ngược đãi trẻ em, những ca cấp cứu nghiêm trọng... và lôi cuốn được hơn 70 thành phố cùng hơn 2.000 người cùng tham dự để tìm ra giải pháp.

Đâu là tương lai của báo chí?

Báo chí công dân dạy cho chúng ta biết rằng: hãy quan tâm nhiều hơn đến các mối liên hệ với công chúng, thay vì nghĩ đến chuyện trở thành "thợ viết báo”. Những mối liên hệ đó thực sự ảnh hưởng rất nhiều tới tương lai của báo chí. Trong một cuộc thăm dò của Pew đối với các tổng biên tập báo thì có 90% nói rằng tương lai của báo chí sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào tính tương tác với độc giả, 73% mong muốn mối “thâm tình” này bền chặt hơn nữa. Điều chính yếu để gắn kết với công chúng là lắng nghe ý kiến của họ, tăng tính tương tác và mở rộng phạm vi tham dự.

Nguyễn Hoàng Quỳnh Hương

Lớp Báo mạng điện tử K24 – Khoa Phát thanh-Truyền hình