The Unique

Vào 1 ngày nắng tháng 12...

Người thợ xây mang cho tôi 1 chú nhóc. Chú ta có bộ lôngmàu vâng hổ, có vằn kẻ, khuôn mặt rất có “hồn” đáng yêu. Thực ra chỉ là giải quyết vấn đề chuột bọ. Tôi là người đón tay, mẹ đùa: “Út là đón tay thì nó chạy nhảy suốt ngày thôi”.

Tôi chạy đi kiếm cho nó cái chậu để ị, bẻ cành cây đo đuôi cho nó ị có “phép tắc”.

Ngay ngày đầu tiên, chú nhóc đã biết đường chạy vào cái chậu đựng xỉ than để “giải quyết”. Khỏi phải nói, cả nhà đều ngạc nhiên và mừng kinh khủng. ai mà chả sợ mấy con mèo rây bẩn nhà.

Mình gọi nó là “thằng con yêu của mẹ”, đặt tên là Dương-Tùng Dương. Thằng bé thật đáng yêu, lúc nào cũng gừ gừ rồi tót lên chân mọi ng trong nhà. Cứ chỗ nào chật chật, ấm ấm là chui vào. Tối nào nó cũng ngủ trong chăn của mình. Hôm nào ko cho nó nằm cùng thì nó nghoeo nghoeo lạc cả giọng.

Mèo là loài ăn ít, “ăn như mèo” mà, nên phải cho ăn nhiều bữa. Cứ hôm nào cho ăn muộn là cu cậu nhắng lên, kêu váng nhà, chạy quanh rồi gào thét đến là khiếp. Mình cho nó ăn cơm cá, thịt, uống sữa, ăn bỏng ngô, ngô cay, bim bim, ăn tuốt tuột. Lại còn sợ nó ăn mãi 1 món thì nó ngấy nữa chứ.

Bố bày ra cái cách cho nó chui vào trong áo khoác. Cứ để nó ở gần, mở khoá áo ra là nó chui vào, nằm gọn lỏn trong đó, quay quay chọn thế ngồi rồi ngước mắt ngỏng lên rất yêu, kêu meo meo vài tiếng. Mình đóng khoá áo lại là nó nằm im, mình chạy khắp nhà mà nó cũng chẳng kêu, vì ấm mà.

Rồi nó lớn dần.

Hôm 18 tháng 1 là sinh nhật mình. Bạn bè đến rất vui, mình đem nó khoe với bạn: “Con giai tớ đây, chào các chú các bác đi con!”. Rồi mình đi chơi với bạn. 11 rưỡi mới về. Mình bóc quà, nhận điện thoại và nói chuyện khá lâu.

12 rưỡi, mình đi ngủ. Chắc nó lại ngủ với ông và bà rồi.

Sáng đậy, nghe láng máng ai nói có con mào chết trong bể nước, mình vùng dậy, chạy theo mẹ.

Thật chẳng còn biết nói gì, mình sững người ko nói được. Hai mẹ con hì hụi vớt nó lên. Toàn thân nó cứng đờ, có lẽ là đêm qua nhảy hụt, rơi vào nước lạnh, mà nó thì còn bé. Mình đỡ lấy nó, đôi mắt thường ngày mở to mà lúc này vẫn mở, nhưng chỉ hấp háy như sợ nước vào mắt. Đôi mắt lim dim mình chỉ thường thấy khi nó được ở gần người, được vuốt ve mà thôi...

Giờ thì nó đã đi rồi. Với mình, đó là một mất mát thật lớn. Mình đã coi nó như 1 thứ không thể thiếu mỗi ngày. Mình im lặng dọn bát, chậu, dọn hết. Hai mẹ con chôn nó sau nhà.

Nó đã chết, toàn thân lạnh cóng và đôi mắt lim lim sợ nước. Chưa bao giờ mình thấy có cảm giác yêu thương như thế với 1 con vật. Ngồi bên cạnh Bích, mình chỉ kịp nói vài câu rồi ào lên khóc. Nó chỉ là 1 con vật thôi, nhưng sao mình lại thấy buồn đến thế? Mình không phải là ng yếu đuối, cả sáng mình đã cố không khóc. Nhưng đến khi kể cho Bích nghe, mình đã không chịu nổi.

Nó giống như một đứa trẻ, cũng hay nũng nịu, thích được ôm ấp vuốt ve, thích được quan tâm, vỗ về. Nó cũng khó bảo như một đứa trẻ. Ở bên nó, mình có cảm giác được chăm sóc cho đứa trẻ, chia sẻ yêu thương.

Sáng nay, ánh mắt đó ám ảnh mình, đôi mắt lim dim không phải vì được vỗ về...

The Unique



(Ảnh là sư thầy Huyền Diệu-nhà sư Việt Nam đầu tiên ở Nepal, chủ tịch Việt Nam Phật quốc tự ở Lumbini, chủ tịch lên đoàn Phật giáo Quốc tế Lumbini-người có công lớn trên con đường tìm kiếm hoà bình ở Nepal)

Hoàng Hưng

Một người Việt Nam có công lớn
trong việc lập lại hoà bình ở Nepal


Đọc bản tin về hiệp ước hoà bình giữa phe du kích quân Maoist và chính phủ Nepal vừa ký kết, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài10 năm, giết hại 13.000 người, và mở ra một thời đại mới cho đất nước nhỏ bé dưới chân dãy Himalaya, tôi bồi hồi nhớ lại cả quá trình kiên trì vận động hoà bình của Thầy Huyền Diệu, mà mình được theo dõi sát sao và đóng góp một phần nhỏ bé… từ xa.

Tháng 3 năm 2004, vợ chồng tôi ở trong chùa Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa quốc tế đầu tiên do Thầy Huyền Diệu, nhà tu hành người Việt Nam sáng lập tại thánh địa Lumbini, nơi Đức Phật Thích Ca giáng trần. Trong hơn một tháng trời ở đó, tuy còn xa những nơi có chiến trận, chúng tôi cũng cảm nhận rõ ràng không khí chiến tranh. Đường điện thoại thường xuyên bị cắt đứt, những cuộc cấm vận thường xuyên khiến giao thông ngưng trệ. Hôm rời Lumbini trở về Việt Nam, chúng tôi phải đi xe lôi khoảng 25 km ra sân bay địa phương, rồi từ đó đáp máy bay lên thủ đô Kathmandu, để từ Kathmandu bay về Thái Lan. Trên đường đi, chúng tôi gặp những chiếc xe tải bị đốt cháy đen vì đã dám vi phạm lệnh cấm vận của phe du kích.
Thực ra từ hơn 10 năm trước, sau cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài trong thời gian đầu của chế độ quân chủ lập hiến Nepal, đặc biệt là việc nhóm Maoist ly khai khỏi Đảng Cộng sản Nepal và phát động chiến tranh du kích nhằm lật đổ vương quyền, Thầy Huyền Diệu đã cảnh báo với Nhà Vua và các chính đảng về nguy cơ một cuộc nội chiến kéo dài, cần phải chặn đứng ngay bằng thương thuyết hoà giải, nhưng không mấy ai tin lời Thầy. Phần lớn chính khách coi nhóm Maoist chỉ là lũ phiến quân nhỏ bé có thể dễ dàng dẹp tan bằng vũ lực. Thực tế đã chứng minh lời Thầy. Quân du kích đã ngày càng mạnh mẽ, kiểm soát nhiều vùng rừng núi, bao vây và cắt liên lạc giữa các thành phố, tấn công quân đội và các đồn cảnh sát. Một số cuộc đàm phán chỉ đem lại ngưng bắn tạm thời ngắn hạn và sau mỗi lần thì qui mô và tính chất khốc liệt của cuộc chiến càng tăng lên.

Chính trong những ngày căng thẳng ấy, Thầy Huyền Diệu đã trao đổi với tôi mà Thầy coi như một người bạn và một số đệ tử của Thầy, về kế hoạch vận động hoà bình cho Nepal. Là người được cả chính giới lẫn dân chúng Nepal tôn kính vì công lao mở đầu việc khôi phục thánh địa Lumbini (từ chỗ hoang vu điêu tàn, nay Lumbini đã thành di sản văn hoá thế giới với một hệ thống chùa và tu viện quốc tế hoành tráng - Thầy giữ vai trò Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo quốc tế ở đó), vì những nghĩa cử đối với dân trong vùng (Thầy đã xây dựng cây cầu Tình thương Việt Nam qua dòng sông oan nghiệt từng cướp đi nhiều mạng sống trong mùa mưa lũ), vì công cuộc bảo vệ đàn chim hạc và môi sinh Lumbini… Thầy có lòng tin ở "sự nhiệm màu" của thiện tâm, và sức mạnh tâm linh của thánh địa Lumbini, của tinh thần đại từ đại bi mà Đức Thích Ca rao truyền.
Ngày 12 tháng 6 năm 2004, nhân ngày lễ Phật Đản, Thầy gửi lá thư ngỏ cho Nhà Vua, Thủ tướng và tất cả các đảng phái chính trị Nepal, mời các bên tới Việt Nam Phật Quốc Tự ở Lumbini để gặp gỡ bàn về một giải pháp cho hoà bình. Thầy đề nghị các vị chính khách tới sống một tuần trong chùa, cầu nguyện và thiền định để tâm lắng dịu trước khi bàn cãi. Bức thư được công bố trong buổi họp báo ở thủ đô Kathmandu, tại Câu lạc bộ Nhà báo, với sự có mặt của đại diện nhiều đảng phái, đã như hồi chuông đầu tiên thức tỉnh lòng hoà hiếu giữa ngọn lửa căm thù và đối kháng. Báo chí Kathmadu đưa tin về sự kiện này với hàng tít lớn: "Nhà sư Việt Nam kêu gọi cầu nguyện cho hòa bình Nepal", "Giải pháp hoà bình của nhà sư: thiền định ở Lumbini"... Kết quả là một số chính đảng đã bí mật sắp xếp cho cuộc gặp gỡ ở Lumbini. Tiếc thay, cuộc gặp đã không diễn ra do thiếu sự tế nhị và kín đáo cần thiết.


Cuộc nội chiến tiếp tục leo thang và rộ lên vào cuối năm 2004. Mọi người chờ đợi có cuộc ngưng bắn vào dịp lễ Dasain (lễ mừng Năm Mới của Nepal, vào khoảng tháng 2 Tây lịch) nhưng cho đến lúc ấy vẫn không có dấu hiệu gì khả quan. Các bạn người Nepal của Thầy, trong đó có một số lãnh tụ chính đảng, yêu cầu Thầy lên tiếng. Họ hứa sẽ tổ chức một cuộc họp ở Kathmandu để Thầy dưa ra lời kêu gọi ngưng bắn.
Cuộc họp ở Trung tâm Văn hoá Kathmandu diễn ra rất thuận lợi. Những người tham dự, bao gồm đại diện các chính đảng và chính phủ, đặc sứ của nhà vua, cùng ngoại giao đoàn, nhiệt liệt hoan nghêng sáng kiến của Thầy Huyền Diệu. Tuy không ra mặt, nhưng người đại diện phe Maoist cũng bí mật tham dự và lên cảm ơn Thầy sau buổi họp, lẫn trong số những người khác. Đây là một dấu hiệu rất tích cực khiến Thầy cảm thấy nhiều hy vọng.
Đêm hôm ấy, một cú phôn đánh thức Thầy Huyền Diệu trong khách sạn. Ông M. Pradhan, một vị trong ban tổ chức cuộc họp vui sướng báo tin phe Maoist vừa thông báo đơn phương ngưng bắn 9 ngày nhân dịp Năm Mới. Thầy vui mừng thức suốt đêm viết một bức thư gửi Nhà Vua Gyanendra và Thủ tướng Surya Bahadur Thapa, kêu gọi họ đáp ứng bằng một lệnh ngưng bắn tương tự. Tuy không tin tưởng vào thiện chí của phe Maoist, Chính phủ cuối cùng cũng đồng ý với Thầy sẽ không đơn phương nổ súng trong dịp 9 ngày lễ Năm Mới mà chỉ bắn trả khi bị tấn công.
Sau dịp lễ, một số người Nepal tìm đến cảm ơn Thầy vì sau gần mười năm loạn lạc, đây là lần đầu tiên họ được về ăn Tết ở quê nhà trong vùng Maoist kiểm soát.

Cùng lúc ấy, một hội nghị quốc tế lớn được dự kiến diễn ra từ ngày 30 tháng 11 đến 3 tháng 12 năm 2004 tại Lumbini dưới sự bảo trợ của chính phủ Nepal, Quĩ Ủy thác Phát triển Lumbini và nhiều tổ chức quốc tế khác. Mục tiêu của hội nghị, với sự tham dự của các lãnh tụ chính trị Nepal và nhiều đoán đại biểu Phật giáo các nước, là nhằm củng cố nền ngoại giao của Nepal, tìm kiếm sự trợ giúp mạnh mẽ hơn của cộng đồng thế giới cho đất nước nhỏ bé và nghèo nàn này. Rất nhiều nỗ lực đã được bỏ ra để chuẩn bị hội nghị, nhưng điều tiên quyết là hội nghị phải tránh được sự phá hoại của phe Maoist. Phe này được mời tham dự nhưng đã từ chối. Hơn thế nữa, ba ngày trước khi hội nghị khai mạc, quân du kích đã cho nổ vài trái bom tại một ngôi làng gần Lumbini; tiếp đến một lệnh tổng đình công, bãi thị và cấm vận được các lãnh đạo Maoist địa phương ban bố.
Ngày hôm sau, tất cả các đường phố vắng hoe, chỉ có những chiếc xe của chính phủ và ngoại giao đoàn với sự hộ tống rầm rộ của quân đội, cảnh sát, lăn bánh trên đường. Trong dân chúng lan truyền tin đồn sẽ có hàng trăm trái bom sẵn sàng nổ để phá tan hội nghị.
Các nhà tổ chức hội nghị và các chính khách một lần nữa thỉnh cầu Thầy Huyền Diệu đích thân gặp quân du kích để yêu cầu họ ngưng chiến trong thời gian diễn ra hội nghị, ít ra là tại Quận Rupandehi, quận sở tại của thánh địa Lumbini.
Sau khi suy nghĩ về hiệu quả có thể có của lời mình kêu gọi, Thầy Huyền Diệu nhận lời. Nhưng Thầy không biết làm sao tiếp xúc với các lãnh tụu phe Maoist vốn không ra mặt. Thầy liền vào chánh điện tụng một khoá kinh và thiền định. Mười phút sau, Thầy quyết định lập tức bay lên thủ đô Kathmandu để nhờ báo giới chuyển thông điệp của mình tới phe Maoist. Thầy tin rằng đó là con đường ngắn nhất để giải quyết vấn đề.
Trong cuộc họp báo kéo dài một giờ rưỡi, Thầy nói rõ mình không phải là đại diện của chính quyền, mà cất tiếng nói của riêng mình, vì danh dự của đất nươc Nepal và tương lai của dân tộc này. Thầy long trọng nhờ báo chí gửi tới lời yêu cầu ngưng các vụ nổ bom và đình công trong vùng Rupandehi.
Và như một phép lạ, chỉ 4 giờ sau cuộc họp báo, qua sóng FM radio và các hãng thông tấn, mọi người được biết các lãnh tụ Maoist đã bãi bỏ lệnh tổng đình công 3 ngày ở Rupandehi.

Cuối năm 2005, một cuộc đi bộ cầu nguyện cho hoà bình đã được Thầy Huyền Diệu, với tư cách Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Quốc tế Lumbini, tổ chức, với sự tham dự của hàng trăm tu sĩ và Phật tử từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đoàn đi bộ xuất phát từ ngôi chùa lịch sử Namobudha gần Kahthmandu, nơi liên quan đến tiền kiếp của Phật Thích Ca, trong kiếp đó Ngài đã vì từ tâm mà tự nguyện làm mồi cho hổ mẹ nuôi bày hổ con sắp chết đói. Đi trên 300 km đường núi, qua nhiều thành phố, cuối cùng đoàn về Lumbini làm lễ khánh thành Việt Nam Phật Quốc Tự sau hơn 12 năm khổ công xây cất.

Suốt trong hai năm 2004, 2005, trong mọi khóa giảng dạy và gặp gỡ ở nhiều nơi trên thế giới, mọi lá thư trao đổi với bạn bè và đệ tử, Thầy đều nhắc nhở mọi người cầu nguyện cho hoà bình Nepal. Thầy nhiều lần gọi tôi sang để hỗ trợ Thầy trong việc tiếp tục vận động hoà bình cho xứ sở này.

Mùa xuân năm 2006, vợ chồng tôi mới thu xếp được để sang lại Ấn Độ. Lúc này chiến sự ở Nepal đang đến hồi cao trào nhất, đường giao thông đến Kathmandu và Lumbini đều bị cắt đứt, sự bao vây của quân du kích kéo dài vô thời hạn. Thầy Huyền Diệu quyết tâm ra một cuốn sách về vấn đề hoà bình Nepal để công bố trong dịp lễ Phật Đản. Sau vài buổi bàn bạc đề cương cuốn sách với tôi tại Việt Nam Phật Quốc Tự Bồ Đề Đạo Tràng (ngôi chùa Thầy đã sáng lập từ trước ở nơi Phật thành đạo, thuộc Ấn Độ), Thầy vội vã về Lumbini để đối phó với tình hình chiến sự có nguy cơ lan đến Thánh địa. Từ đó, chúng tôi chỉ toàn liên lạc qua điện thoại và email. Tôi được biết Thầy đã trải qua một thời kỳ gian khó nhất ở Lumbini trong tình trạng chợ búa không họp, xe không chạy, điện mất. Nhưng Thầy không chút nản lòng, quyết tâm ra được cuốn sách để thúc đẩy hoà bình trên xứ sở quê hương của Đức Phật mà Thầy gắn bó từ hơn mười năm nay.
Và cũng như mọi việc Thầy đã làm mà tôi biết, niềm tin vững vàng, tinh thần lạc quan và quyết tâm không thể lay chuyển của Thầy bao giờ cũng đưa đến thành công. Giữa lúc các phe phái ở Nepal bắt đầu thăm dò một triển vọng hoà đàm, cuốn sách "Nepal, hoà bình trong tầm tay" long trọng ra mắt tại Kathmandu. In bằng hai thứ tiếng Anh-Nepal, cuốn sách mỏng có nội dung đầy thuyết phục. Sau khi minh định bản thân tuy là một người nước ngoài nhưng đã tự coi mình như người con của xứ sở Nepal, Thầy Huyền Diệu phân tích sâu sắc nguyên nhân xa gần của cuộc nội chiến, trong đó Thầy nhấn mạnh sự bất bình đẳng xã hội, tình trạng khốn khó của người dân vùng sâu vùng xa, tham vọng quyền lực và sự thiếu tin cậy lẫn nhau của các lực lượng chính trị; Thầy kêu gọi tất cả các bên đặt quyền lợi của đất nước và dân tộc lên trên quyền lợi của phe đảng, lấy tinh thần từ bi của Phật Tổ - người con vĩ đại của đất nước Nepal, làm chỗ dựa để ngồi lại với nhau tìm đường thoát khỏi cuộc chiến. Thầy còn đề xuất những bước đi cụ thể để đi đến hoà bình, trong đó Thầy nhấn mạnh cách xử sự trọng thị với phe du kích Maoist, để họ có chỗ đứng xứng đáng trong một chính quyền hoà hợp dân tộc. Cuối cùng, Thầy vạch ra tương lai một nước Nepal hậu chiến với một chiến lược phát triển bền vững và phù hợp, trong đó Thầy nhấn mạnh vai trò của văn hoá, tấm linh, công bằng xã hội. Và cũng như trong mọi cơ hội thuyết giảng với mọi đối tượng, Thầy nhắc đi nhắc lại "sự nhiệm màu" sẽ đến khi con người thực sự có thiện tâm.

Ai đã một lần đến Lumbini đều không thể không đi xem chim hạc múa. Và không thể quên hình ảnh những con chim hạc cao lớn quấn quýt bên Thầy Huyền Diệu. Bản thân tôi đã có lần chứng kiến đôi chim hạc nghe tiềng Thầy trong ngày hội Cầu Việt Nam tìm về ngỏng cổ nghe ngóng và biểu diễn một đường bay tuyệt đẹp trước mắt mấy trăm quan khách. Chim hạc là biểu tượng hoà bình yên vui. Tôi hình dung một ngày không xa, Việt Nam Phật Quốc Tự Lumbini mở hội đón hoà bình. Theo lời mời của Thầy Huyền Diệu, các phe phái vốn đối địch của Nepal, các phái đoàn quốc tế, đông đảo người hành hương và du khách đến tập họp ở đây xem hạc múa và thưởng thức những món ăn, những tiết mục văn nghệ đặc sắc của Việt Nam…