The Unique



Tự sự 21 (**)

Hồi cấp 1 học trường làng vui lắm, đường đi bộ tuy có hơi xa nhưng trẻ con dai sức thật, chạy nhảy suốt ngày mà có biết mỏi bao giờ?

Thích nhất là những lần khai giảng, bắt đầu năm học là được gặp bạn, vui lắm. Trường làng vốn nghèo nên cứ có lễ gì là đều huy động học sinh “mỗi em mang theo 1 cành hoa cho lọ hoa của trường”. Mình với thằng Tâm lần nào cũng hái hai cành hoa giấy to đùng mang đi, oai như ếch! Rồi cả những lần dọn vệ sinh trước năm học, đứa nào cúng đem đi bao nhiêu cành tre để rào cho bọn trẻ hư không vào phá, rồi mang cả chổi tre để quét sân, sân trường mù mù màu bụi hồng.

(À, nói đến thằng Tâm , lại phải kể tí ti về nó. Thằng Tâm ít hơn mình một tuổi, nhưng vì đi học sớm nên cùng lớp với mình. Thằng Tâm người nhỏ nhỏ, mặt mũi lúc nào cũng lem luốc, có nhiều lần mẹ nó sai mình rửa mặt và chân tay cho nó. Eo, ơi, mình chỉ di nhẹ ngón tay trên cánh tay nó nà bao nhiêu ghét chạy theo vón cục đen ngòm. Có lẽ tắm cho nó phải dùng cả dao cạo cũng nên. Thằng Tâm hay bị giun kim, cứ một chốc lại nghe mẹ nó gọi í ới: “Tâm ơi về móc giun kim!”. Thật là... Nhưng ai bảo nó hay ăn bẩn cơ. Ngày đó hay có ông bán kem mút loại 100đ, là kem nước đá pha đường hoá học, cây kem to lắm. Thằng Tâm tay thì đen xì mà vẫn cứ cầm luôn cả cái kem (vì là nước đá nên cái que hay bị tuột), cái thứ nước ở trên cái kem đúng là suốt đời “dằn vặt" mình. Nó còn rất thích mì tôm, thậm chí, khi đi học, mọi người mang nước lọc, còn nó mang nước... mì tôm đi để uống! Ôi tuổi thơ sao mà dữ dội thế nhỉ. Nghe nói giờ nó cũng đang học ĐH.

Nhưng thằng Tâm tính cũng hay, cũng nghe mình, hay gọi mình là chị. Nó với mình nhiều hôm rủ nhau ra sau vườn nhà mình, ngồi ngắm hàng rào hoa dã quỳ vàng rực mà bố chặt ở đâu về. Cái hàng rào ấy vào những mùa hoa rộ, nở bung cánh vàng, màu hoa nổi bật trên những dải đồng xanh rì, thoảng mùi hăng hắc. Hoa dã quỳ rất đắng nên ở quê mẹ (Lạng Sơn), người ta gọi thứ hoa vàng vàng nở trên đèo Sài Hồ là hoa lá đắng.

Mình và thằng Tâm còn hay đi hái hoa dâm bụt. Mỗi lần hái cả rổ rồi ngồi phệt xuống đất, bóc đài hoa để mút cái nhuỵ ngọt ngọt. Cũng có khi bóp mạnh gốc bông hoa để nhỏ mật vào cái chén, khi nào đầy thì uống. Những bông hoa được tận dụng lại, bọn mình tách cánh hoa cho mỏng rồi dính lên mũi, lên trán trông như cái mào gà. Nhựa hoa nhơn nhớt, dinh dính nên khi rửa mặt thì không dễ chịu tí nào.

Vào những ngày đồng ruộng khô nẻ, nông dân thu xong lúa. Mình rủ nó và mấy đứa cùng lớp đem những cây củi to ở nhà ra đồng, chôn cọc rồi phủ lá cọ lên làm cái lán. Lán thì bé tẹo mà đứa nào cũng tranh nhau đòi chui vào, vạo vọ nên nó đổ sập xuống, lại đổ tội cho nhau. Cũng trên những khoảnh ruộng khô ấy, bọn trẻ con vẫn thường đi... “gửi tình yêu vào đất” nên vẫn có “thuật ngữ” là đi (xin lỗi) “ỉa đồng”. Gió đồng mát lắm, ngồi mãi không chán (?), lại còn với tay rút mấy cái đòng đòng sót lại trên gốc rạ rồi cho vào mồm... nhai, thấy thơm thơm, ngọt ngọt mùi sữa, thế có chết không! Đi một mình cũng buồn nên mình với nó thường... rủ nhau cùng đi, nói chuyện vui ơi là vui.

Mình với thằng Tâm cũng hay đi học cùng nhau.)

Trước cửa lớp nào cũng có 1 cái cây tự trồng và một bồn hoa trồng đủ thứ linh tinh, cúc đám ma, mười giờ, mào gà, bươm bướm, bóng nước là nhiều nhất. Bồn hoa được quây lại bằng những viên gạch be bé xếp chồng gác lên nhau, trông lô xô và khá duyên.

Nhà trường hay phát động mua tăm ủng hộ người mù, mình xin tiền mẹ mua hai gói, đem về nhà, mẹ đòi dùng nhưng mình không cho. Mình đã lí luận là: “Không được, mua cho người nghèo thì để người nghèo dùng chứ!”

Hồi đó mình học lớp 4A, từ bé đến lớn toàn học lớp có chữ A mới hay, mặc dù không phải khi nào A cũng có nghĩa là “chọn”. Cô chủ nhiệm tên là Hà. Cô Hà nhà nghèo lắm, ngôi nhà bé tẹo, tối ôm, hình như mình và các bạn có đến đó một hai lần nhân dịp 20/11. Cô Hà gầy, da sàm sạm. Cô Hà nói ngọng nữa, mình nhớ lớp mình có con bé tên Linh nhưng chẳng bao giờ cô gọi đúng tên nó cả. Cô Hà cũng hiền. Năm lớp 3 thì có cô chủ nhiệm khác, tên là Oanh. Cô Oanh nhà giàu, trông cô lúc nào cũng sang sang. Cô có đứa con gái ở lớp B, học cũng giỏi nhưng trông lúc nào cũng yếu yếu.

Lớp trưởng là 1 thằng nhóc tên là Huy-Nguyễn Quang Huy. Da nó trắng hồng, má phính phính như quả đào vậy, và rất xinh trai, trông lúc nào cũng sạch sẽ, thông minh. Nó học cũng giỏi. Mình là lớp phó học tập, Huyền Trang là lớp phó văn nghệ. Dù là bé tuổi đấy, nhưng cũng thích nhau. Mà khổ nỗi lớp có mỗi thằng lớp trưởng “ngon mắt” thôi. Không biết có phải vì vậy không mà lũ con gái có hai phe to vật chuyên đối đầu nhau. Một phe là Huyền Trang, Phương Hà, Quỳnh Anh; phe kia là mình, Thuý, Nhung, Hảo, lí do chia nhóm là vì... ở gần nhà nhau! Đến lí do cũng ngốc xít.

Nhưng mới học với nhau được 2 năm thì nó chuyển đi, vậy là 2 năm còn lại, chức lớp trưởng rơi vào tay... MÌNH! Oé!!!!!

Lớp trưởng rất mải chơi. Trường có chương trình Sinh hoạt sao, các học sinh lớp 4 và 5 sẽ đến lớp tổ chức sinh hoạt, hát và dạy trò chơi cho các em lớp dưới. Mình là trưởng sao tại lớp 1A. Cứ nhớ mỗi lần đi sinh hoạt cuối tuần, cầm trên tay cái thước gỗ mà chị Mai làm cho, lăm lăm đi kiểm tra tay các em, đứa nào tay bẩn phải ra... ao rửa cho sạch, mà khổ nỗi cái ao cũng đỏ ngầu như sông Hồng bây giờ, chẳng biết rửa xong có sạch như khi chưa rửa không.

Rồi các anh chị dạy các em hát, múa bài Kim Đồng, bài Ca ngợi tổ quốc, bài Em là búp măng non,... Cầm khăn đỏ lên, buộc thành hoa rồi quấn vào ngón tay để múa, tuổi thơ thật đáng yêu biết bao!

Có lần, mải đi sinh hoạt sao mà Sao trưởng quên mất mình là lớp trưởng, phải về sinh hoạt lớp, khi bạn đi gọi về thì “được” cô chủ nhiệm tặng cho cái nhìn đầy “âu yếm”. Cô này, trẻ con mà!

Là lớp trưởng oai là thế, mà mình bị gán ghép với thằng Chu Hoài học dốt, xấu xấu, bẩn bẩn, béo ị, mồm lúc nào cũng như thừa nước miếng. Nhưng được cái nó rất nghe lời mình, nên đi học cứ bắt nó xách cặp cho về đến nhà (cách nhà nó 2 cây số). Rồi hôm nó làm được cái ống nhòm bằng đít chai thuỷ tinh màu xanh xanh, trong trong, ai xin nó cũng không cho xem, thế mà mình chưa xin nó đã mời xem, bé tí đã có người ái mộ rồi. Nhà Chu Hoài có cây táo rất ngon, nhưng mẹ nó khó tính lắm. Nhân cái hôm nó lên bảng làm bài tập, cả lớp nhắc cho nó được 7 điểm, thế là ra chơi kéo nhau về nhà nó (kề sát trường) để nịnh nọt mẹ nó. Hôm đó ăn táo no nê gần chục đứa. Nhưng Chu Hoài cũng là thằng rất bướng, thế nên nhờ nó mà mình học được cách nịnh và ra lệnh cho mấy tên ngốc cùng lớp.

Không biết chúng nó sợ oai lớp trưởng “Tớ mách cô đấy!” hay không mà không chối mình cái gì bao giờ. Nhớ hồi bố bị đau đầu, cần cây cải trời làm thuốc. Cây cải trời trông hơi giống cây cải cúc nhưng mùi hôi hơn, thân dai hơn. Cây cải trời mọc dại thì nhiều vô kể, chiều nào bố cũng đèo xe máy, 2 bố con đi nhổ mấy cây. Để tiết kiệm công sức cho bố, mình bắt lũ con trai (thằng Tiến, thằng Mạnh, thằng Cường, thằng Giang, thằng Hùng) phải hái cho mình. Về nhà, mình làm cả nhà cười vỡ bụng suốt... hơn chục năm nay vì cái cảnh: thằng thì cầm chổi trực nhật cho “nó”, thằng thì ôm một đống măng tre cho mẹ “nó” ngâm ớt, thằng thì ôm cả một bao tải cây cải trời cho bố “nó”, thằng thì xách cặp cho “nó”, còn “nó” thì đi tay không! Mà cái lần nhổ trộm măng còn bị người ta bắt được, cả đám chạy te te, còn thằng Mạnh bị tóm, không nhớ là nó có bị đánh không nữa.

Trong những trưa trốn ngủ, mình lên khu trung tu hái hoa đại. Thằng Tiến nhà gần đó nên ra hái cho mình, thằng Tiến trông y như trẻ con XôMaLi, đen xì hơn cả mình, đen bóng lên cơ. Cho đến giờ, mình vẫn thấy không có bông hoa đại nào thơm như cái bông hoa nó dạy mình làm. Nó lấy cái nụ hoa nhỡ nhỡ, kéo hất các cánh ra. Đó quả là một mùi thơm mới lạ, thơm rất ngọt và mát. Nhiều lần bạn bè hỏi “sao có kiểu ngửi hoa buồn cười thế?” nhưng nói ra chắc mọi người sẽ không tin.

Là lớp trưởng tức là cũng học được. Thế nên mỗi lần có các cô giáo thực tập bên trường Cao đẳng là lớp trưởng “đắt hàng” tợn. Cô nào cũng dặn “Em về học thuộc truyện này nhé, mai cô gọi lên kể nhé”. Gớm, bàn tay các cô vuốt ve mình hơi bị “ác”. Mình được các cô chiều nhất lớp. Trong cái ảnh chụp duy nhất hồi lớp 4, mình đứng trong vòng tay ôm của cô Lý.

Hồi bé mình cũng đi học thêm. Lớp học thêm ở nhà cô giáo, bé tí, bàn ghế đen nhẻm, đi từ bờ ruộng lên phải qua một con dốc cao, trung du mà. Hôm ấy học ôn thi học sinh giỏi văn, cô dạy tính từ, bảo đặt câu có từ “sục sôi” vì vừa học xong bài “Lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng”. Lớp trưởng đặt câu là: “Siêu nước sục sôi.”(!) Về nhà lại còn khoe khoang, bị chị Thuỷ cười thối mũi.

Đi thi học sinh giỏi văn lớp 4. Mình rất thích những kì thi vì toàn được mẹ cho đi ăn bánh cuốn trứng ở quán bác Luyên. bác Luyên có chồng là Huyên, con gái là Thuyên, mọi người thường trêu là “Huyên Luyên Thuyên”. Bác Luyên làm bánh cuốn ngon đến nỗi nó đã ám ảnh suốt tuổi thơ mình mà cho đến lúc này, cứ về Thái Nguyên là chỉ thèm ăn bánh cuốn trứng, mà cũng chỉ thấy bánh ở đó là ngon nhất quả đất. Ngon thế nào? Này nhé, bác ấy múc nước bột loãng bằng gáo dừa có cán rất dài, tráng lên cái nồi hơi căng mặt vải phẳng lì, dàn cho bột đều mặt vải rồi úp vung. Một lúc sau, bác đập trứng gà lên cái lát bột đã chín, rồi lại úp vung. Cuối cùng bác mở ra, lấy bàn xản kéo rìa bánh phủ kín cái trứng đang lòng đào, cho ra cái bát con. Bác rót nước chấm nóng rẫy vào bát, rắc thịt băm, rau thơm thái chỉ và hai miếng chả lá lốt vào đó nữa. Mình nâng niu miếng bánh ghê lắm, dùng thìa xắn từng góc một, trộn cả nước, thịt băm và chả, ngon mát không để đâu cho hết. Rồi lách thìa vào giữa cái bánh để không cho lòng đào chảy lẫn vào nước mắm. Cái bát của mình lúc nào cũng trong tình trạng cạn sạch nước lẫn cái! Cung cách ăn đó đến giờ mình vẫn giữ, nhưng chẳng mấy khi được áp dụng vì ở Hà Nội không đâu làm thế. Cũng có lần thắc mắc “sao bảo người Hà Nội ăn ngon lắm cơ mà?”

Ăn rồi thì phải đi thi chứ nhỉ? Mẹ đèo mình đi thi ở trường bên thành phố. Từ hồi đó đã thấy các bà mẹ dúi cho con cái mấy quyển giống như “phao” bây giờ, để chúng nó chép. Ra phòng thi, cũng chả hiểu có làm được không. Hình như bài thi có 1 phần đặt câu có dùng trạng ngữ. Mà mình thì chưa học trạng ngữ, thế mà cũng đã biết... “viết bừa, nhỡ đâu trúng”. Rồi có cả 1 bài viết đoạn ngắn tả mùa xuân, đại loại mình có cho 1 bà tiên cầm đũa thần vào trong bài đó.

Một thời gian trôi đi, đã là cuối kì, cô quên sổ liên lạc ở nhà, sai lớp trưởng và cái Thuý về nhà cô lấy, nhà cô cách trường 3 cây, nhưng đi đường ruộng và suối thì nhanh hơn. Về đến trường thì cả trường đang chào cờ. Cô giục mình lên “sân khấu”. Sao lại lên? Cô thì cứ đẩy đẩy. Hoá ra là được giải khuyến khích môn văn thành phố-giải thưởng học sinh giỏi đầu tiên và cuối cùng trong đời! Mình được thưởng 100.000đ và 1 cái cặp sách xanh đỏ. Hôm đó mình mặc chiếc áo cộc tay màu xanh trứng sáo mẹ may cho. Nghe con bé hàng xóm kể lại là nó đọc báo thiếu nhi có tên mình được giải đó, đấy là lầu đầu tiên lên báo. Thi học sinh giỏi, được học sinh giỏi mà khi mọi người hỏi: “Thế có được lên lớp không?” thì lại nói: “Con cũng không biết!”.

TO BE CONTINUED...

Labels: edit post
2 Responses
  1. Nobita Says:

    Hì, ngày xưa, cái tên Nguyễn Hoàng Quỳnh Hương là một cái tên rất rất đẹp, mà bố mẹ em đều là nhà giáo nên đặt tên cho ba chị em đẹp thật! Hồi đấy chị cứ thắc mắc tại sao mẹ chị cũng dạy văn mà đặt tên chả đẹp gì cả.... Cơ mà đến bi giờ vẫn chỉ quen gọi em là Ghi! Vào póc tem cho cái ấn thơ phần II của em nhé :P!
    Nghe em kể mới thấy mọi kỉ niệm khi được viết ra đẹp hơn nhiều nhiều, hí hí! Cơ mà dù sao thì xóm mình bi giờ buồn thiu rồi... Bọn trẻ con lớn hết rồi, mỗi người một nơi! Còn thêm nhiều nhà mới, mà tương lai đang bị đe dọa là sẽ phải chuyển nhà để làm cầu vượt...
    Hình như lần đầu tiên chị chơi với bọn trẻ con trong xóm là vào sinh nhật Ghi thì phải, hà hà!
    À, còn một lần nước ngập nữa chứ, nước nó tràn vào nhà Ghi, đến quá mắt cá chân, lõm bõm... Thế mà Ghi hớn hở chạy lên khoe chị......
    Chả nhớ hết nữa, kí ức đôi khi nhạt nhòa, giống như cảnh vật nhìn qua màn mưa, nhưng chỉ biết là, kí ức lúc nào cũng đẹp.....


  2. Apo Says:

    oi ,hoc sinh gioi van


Post a Comment