The Unique



Tâm sự tuổi 21 (*)

Người ta bảo: Có những người chỉ sống bằng kỉ niệm, mình không biết có đúng thế không, nhưng hình như cũng có một phần của mình trong đó...

Những khi buồn, mình thường nhớ về hồi bé tẹo. Tổ 4-phường Tân Thịnh, nhà mình là 1 trong khoảng 5 nhà trí thức của tổ, không có ruộng. Ngôi nhà ở Thịnh Đán-Thái Nguyên cũng nhỏ thôi, nhưng có vườn rộng lắm. Nhà vách đất, bố, mẹ với các cô chú hàng xóm phải bứng bùn ruộng lên, trộn với sợi rơm đã chặt khúc, trát lên cái khung tre nứa đã dựng sẵn. Lúc nhà chưa khô, cái mùi hôi hôi mà trong trí nhớ trẻ con thì thơm lạ kì! Nhiều khi rất thèm được áp má lên một bức tường trát đất, cảm nhận cái hơi man mát, ngai ngái của bùn và rơm. Rồi đến mái nhà, đó là những nẹp lá cọ khô màu nâu xám xỉn xỉn, cứ qua một mùa mưa lại phải đảo một lần vì lá ẩm, nước thấm hết xuống dưới, nhà dột tong tỏng, chậu đem hứng không biết bao nhiêu cho đủ.

Nhà mình có một cái giếng to, tuy không đào sâu quá như nhà hàng xóm nhưng nước cũng rất trong và ngọt. Cứ tưởng tượng một ngày hè nóng bức đến cháy da, đi đâu về, múc một gàu nước mát rồi cứ thế mà tu ừng ực thật khoái! Bây giờ mùa hè toàn uống nước tủ lạnh, mát hơn, nhưng không có một thứ vị nào khiến cho mình phải nhớ. Sân có hai cây bàng to, một cây gần giếng nên đến mùe hè, tán bàng to ôm lấy hết cả sân giếng, màu xanh mát mắt nằm sâu trong lòng nước trong. Những ngày có lũ, mưa nhiều, giếng ngập lên tận thành, múc nước chẳng cần dùng gàu, trẻ con thì thích nghịch mưa, nghịch nước, nhưng người lớn thì cứ mỗi đận mưa lại lo không biết có trụ nổi một mùa này. Những ngày lụt lội, chẳng được đi chơi, trẻ con ngồi thu lu trên giường, nhìn người lớn lội qua lội lại trong nhà để thu những đồ đạc đang trôi bồng bềnh. Qua khung cửa sổ bằng sắt và mái ranh rỏ nước từng hàng, cánh đồng đằng xa mênh mông như biển nước trắng xoá, không còn nhìn thấy lúa mà chỉ một màu bàng bạc, mù mù và những bụi cây ven suối ngả rạp vì gió lớn. Những ngày này đi học cũng thật vui! Ấy là cảm nhận của một đứa trẻ trong mình. Con đường đến trường cũng gần 2 cây số, rặt một màu đất đỏ, ngày nắng thì bụi đến lem luốc cả mặt, còn ngày mưa thì không còn gì để tả. Những cái ổ gà, những vết chân trâu hằn trên đường đều ngập một thứ nước đỏ au, đặc sệt, ai đi mà không nhớ từng vị trí sẽ bị thụt chân mà không rút lên nổi, đành phải “để tạm” dép ở đấy. Trẻ con nhà kha khá thì có ủng mà đi, ngày đó là những cái ủng nhựa xanh đỏ, mỏng mỏng và dễ gãy. Riêng mình thì mẹ gửi chú hàng xóm (chú đi xuất khẩu lao động ở Đức) mua cho mình một đôi ủng “xịn” màu xanh thẫm. Chiếc ủng d của mình đẹp, dầy dặn và bền nhất trường, đó là niềm hãnh diện không dấu nổi của một đứa trẻ nhà quê. Không hiểu sao mình lại thuộc đến từng cái ổ gà trên đường đi học, vậy nên mình luôn là đứa cầm đầu dắt cả bọn năm bảy đứa cùng đi.

Rồi mùa thu sang, lá bàng đỏ ối, rụng kín mặt giếng, dập dềnh một mảng lớn, muốn múc nước phải gạt hết đám lá ấy.

Đến mùa đông, nước lạnh ngắt, cóng tay. Cây bàng trụi thùi lụi, trơ ra toàn cành trông như chỉ cần châm một mồi lửa là cháy phừng phừng. Mùa này cây bàng thường có con sâu gì đó mày trắng xù xù, trông rất khủng khiếp, mình chẳng dám bước ra lấy nước rửa mặt, đành lấy trộm ít nước nguội đun uống để rửa mặt, bị mẹ phát hiện, phát mấy cái vào mông.

Khoảng sân rộng, nên bố thường lái xe máy vào trong khu bảo tàng, nhặt hạt bàng rụng về ươm cây. Vườn bàng của bố rất khoẻ và mau lớn, hình như hối đó chẳng ai nghĩ ra cái món này cả. Vườn bàng lớn nhanh, cây cao 1 mét, trông rậm rạp nên lũ trẻ rất thích chơi trốn tìm trong đó.

Bố trồng bàng để làm gì nhỉ? Để bán! Ừ, hồi đó bán được giá lắm, nhiều người mua vì đi qua nhà thấy 2 cây bàng tán lớn, vững chãi của nhà mình. Còn nhớ có hôm cả nhà đi vắng, bố nói: “Còn 1 cây bàng này, Ghi bán cho bố nhé, ai hỏi cứ bảo 5 nghĩ, không bán kém nhé!” Thế mà con bé cũng bán được đấy, cũng có tí máu con buôn. Mà giờ Thái Nguyên nhiều bàng to lắm, không biết trong đó csó bao nhiêu cây bố trồng nhỉ?

Mẹ và chị Mai cũng trồng hoa bươm bướm rất nhiều màu. Có nhiều lần những đôi trai gái di qua, lại ghé vào xin mua mấy bông.

Vườn sau nhà rộng hơn, là “giang sơn” cho mẹ trồng rau, mẹ là con nhà nông miền núi, thích rau rau củ củ cũng chẳng lạ gì. Mà mẹ trồng cái gì cũng mát tay, nào bí, nào mìa, nào sắn, nào khoai,... rồi cả mấy chục gốc chuối ăn thừa phải đem bán bớt. Mình vẫn rủ bọn trẻ cùng xóm “học nhóm” ở... sau vườn, lấy cái nồi nấu bột ngày trước, thả rau khoai, rau muống, mắm muối vào đun củi rồi... chén ngon lành. Rồi cả bọn lại trèo lên cây sắn, mỗi đứa chọn một cây như một ngôi nhà riêng, bẻ lá làm cái alô, làm tòn ten trên tai, gió đồng thổi lộng bốn bề tuổi thơ.

Tuổi bé ai cũng nghịch ngợm, mình cũng có vài lần suýt chết. Có lần ngồi bên cái thành bể nước bé tẹo (mẹ kể) mà không hiểu sao “nó” vẫn lọt thỏm xuống được, tái thế chứ (từ của mẹ). Rồi mẹ phải dốc ngược người mình cho nước ọc ra, cho tắm nước lá.

Có lần khác thấy mẹ ngồi bên thành hố vôi (ấy, vôi khô thôi), cũng mon men ngồi lên, ngã ngửa xuống lóng hố sâu hoắm. Mẹ lại ròng dây vào cái xô cao su, bảo ngồi vào để mẹ kéo lên.

Có lần chạy theo xem các chị đánh khăng đánh đáo, lơ ngơ thế nào mà bị khăng bay vào mặt, tí thì hỏng mắt đẹp.

Buổi sáng đi học lúc nào cũng có mấy cô bạn rủ đi. Bạn thân của mình hồi đó là Nhung, sáng nào nó cũng dậy sớm, đi học qua nhà, gọi “bạn Hương ơi!”, tiếng gọi réo rắt thế nào mà bây giờ cả nhà vẫn đem ra gọi mình mỗi khi có điện thoại. Đường đi học có nhiều cây “ăn được”, nào là sắn thuyền chát xít, lá ăn bứ cả họng, quả ăn đen xì mồm; nào là cậm cam, cậm kênh “ăn cậm cam nó mang ra đồng, ăn cậm kênh nó khênh ra đồng”, chả hiều đứa nào sáng tác ra câu ấy; rồi cây cà phê quả rất ngọt, cây thồm lồm mọc bò lan dưới đất, ngọn vừa chua vừa chát, quả bé tẹo màu trong trong; rồi cây mây quả chát xít, cứng đơ; rồi những hàng rào bên đường, chịu khó nhìn là bắt được trứng gà đẻ rơi,...

Những buổi trưa mình cũng lũ trẻ trốn ngủ, sang sân nhà hàng xòm chơi đủ trò, chơi đám cưới, chơi công chúa, trèo cây na, đi vặt trộm khế, mít, bưởi, nhót, trứng gà,... mùa nào thức nấy. Chơi lâu quá bị mẹ cầm roi đi gọi: “Ghi đâu?”-Dạ-“Mang cái dạ về đây!”. Mà cái roi của mẹ khi thì là cài thước may, khi là cật tre, khi là cành cúc tần mẹ vừa bẻ ở hàng rào, hoa lá vẫn còn tươi nguyên. Cái gì vào tay mẹ đều có sức “công phá"ghê gớm. “Ghi, biết tội gì chưa?”-“Có ..ó ạ”-“Tội gì?”-“Tội không ngủ trưa ạ”-“Thế muốn mấy roi?”...

Rồi cũng có những hôm đi mót khoai nhà bà Liên mới xới, không hiểu sao hôm ấy nhà bà ấy dỡ khoai ấu thế, để sót bao nhiêu củ to ơi là to, hí hửng đem về luộc với nhau. Đến chiều, bà Liên sang nhà hỏi tội: “Sao khoai bà chưa dỡ tí nào mà đã lấy?”

Rồi những tối bó rơm thành đuốc, bọn trẻ con như đàn rồng rồng chạy khắp xóm, chơi đủ trò: thả đỉa ba ba, cam quýt mít dừa, bịt mắt bắt dê, trốn tìm..., nô nhiều quá nên đêm ngủ cứ hay giật mình rồi cười khanh khách, doạ ma các chị.

Lại nói đến các chị, ngày ấy 3 chị em vẫn thường rủ nhau đi... ăn trộm “hoa màu”. Của đáng tội, nhà không thiếu nhưng mà “của chôm được ngon hơn của nhà”. Đi học mà tăm tia được ruộng lúa nếp, ruộng đỗ xanh là tối về 3 cái bóng đen đi “hành sự”, cũng có lần bị đuổi bán sống bán chết nhưng may mà thoát. Rồi ăn trộm chuối xanh, dâu, doi, bưởi, trộm cả quả đu đủ chín vàng ươm của bà cụ bên kia đường. Khi mẹ nói thì bà một mực không tin: “Không, trẻ con nhà này ngoan lắm, không làm thế đâu”. Giờ thì bà đã là người thiên cổ rồi. Cũng có khi 3 đứa ăn trộm cả hoa nữa, đem về cắm cho... vui nhà!

TO BE CONTINUED...

Labels: edit post
4 Responses
  1. [12A6_CVA] sepngo Says:

    Tiếp tục đi em, viết hay quá ha!


  2. Akari the Lad Says:

    Thú vị đóa, nhưng mà sơ lược quá nhỉ :D.


  3. Akari the Lad Says:

    Thú vị đóa, nhưng mà sơ lược quá nhỉ :D.


  4. _Đại ca CUA_ _CUAchannel_ Says:

    Anh yêu Em.


Post a Comment