The Unique
Rời giảng đường Đại học, tớ bơ vơ như môt con vờ mặt nước. (Mở ngoặc một cái: con vờ là quán quân... chết yểu trong thế giới côn trùng). 23 năm tuổi đời, tài sản du lịch đi ra nước ngoài (chứ không phải đi ngoài ra nước) vẫn còn khá sạch sẽ.

Phần 1: Singapore – cú “sốc” văn hóa Á châu

Tháng 11, tớ sang Sing một mình. Nhận lời mời của bạn Daniel Foo (Phú – Prosperuos) và căn cứ vào sự giúp đỡ của tớ dành cho bạn í suốt thời gian bạn ở Hà Nội cũng như sự thân thiết của đôi bên, tớ đến ở nhà bạn í luôn. Mở ngoặc là nhờ tớ giúp đỡ nhiệt tình mà bạn í được một điểm A hiếm hoi cho kết quả 4 tháng ở Hà Nội.

Tớ đi 5 ngày. Tớ ngủ trong phòng của bạn í (tất nhiên là bạn í sang phòng của anh bạn í để ngủ). Nơi tớ ở là Clementi, cách Orchard (khu phố mua sắm lớn nhất Sing) một đoạn không xa.

Đó là chuyến đi ngoài ra nước (ra nước ngoài) đầu tiên của đời tớ. Một thế giới khác. Singapore – đất nước trong lành nhất thế giới. Và tớ chả thấy người dân ở đây quét nhà mấy tí. Câu nói của ông bà ta quả là “sạch như chùi”.


Sang Sing, làn da ngăm ngăm của tớ rất được ưa chuộng. Suốt ngày tớ nhận được lời khen cute với lại beautiful - ở sân bay khi nhân viên kiểm tra hành lý, ở nhà thờ (tớ đi theo Daniel chơi thôi), ở NUS (nơi có nhiều bạn bè của tớ)…

Sạch sẽ. Môi trường trong lành nhất thế giới. Mỏi mắt tìm không thấy cái gì gọi là Chổi. Tớ ở nhà bạn Daniel Foo tại một khu chung cư hạng trung. Phòng của bạn ấy nhìn ra con kênh thoát nước nhỏ, phía bên kia là mấy tòa chung cư. Tất cả bao phủ bởi màu xanh cây cỏ. Tớ hít hà cái không khí ấy cứ như là sợ bị mất cắp. Đường phố nhiều cây xanh khiến tớ tưởng tượng những cảnh trong film của Pháp ở các vùng ngoại ô. Màu xanh hiện diện ở những bụi cây nhỏ vỉa hè, ở các thảm cỏ trường học, bệnh viện, cơ quan, ở các vườn nhỏ, các lối đi bộ cho tới các công viên lớn như Singapore Zoo, Jurong Bird Park, Sentosa, Botanical Garden… Rừng trồng mà đẹp như rừng tự nhiên!


Tớ thích nhất Botanical Garden. Đã vào cửa miễn phí, đã không gian trong lành, đã nhiều cây cối lại còn có vườn lan quốc gia nữa chứ. Người ta vào Vườn thảo dược này để picnic rất nhiều. Có khi là đôi anh chị Tây nằm bãi cỏ đọc sách. Có khi là đám bạn người Sing ngồi ăn nhẹ dưới bóng cây. Người thì ngồi ven hồ cho thiên nga ăn bánh, người thì đạp xe dọc những con dốc hay lối mòn…

Những tán cây rực lên màu lá vàng tươi pha với xanh nõn. Những thân cau thẳng tắp với ngọn màu đỏ chói. Những gốc cây đại rụng hoa trắng rộn thơm ngát. Những lối nhỏ vút cao thân mây đan cài thẫm xanh. Những giò lan rực rỡ sắc màu nhiệt đới với đủ các giống hoa từ bình dân cho tới quý hiếm.

Sinh hoạt ở đây thú vị lắm nhé! Sáng dậy từ 8h. Ăn sáng (mà cứ như ăn trưa) tầm 8h30 hoặc 9h. Ai đi làm thì đi. Ai đi chơi thì đi. Tớ vào công viên chơi chán tới 15h thì ăn linh tinh tại café chỗ cái sân chim (vừa ăn bánh kẹp cá hồi vừa ngắm vẹt). Lại đi chơi tới độ 19h (giờ này trời vẫn sáng lắm). Về nhà, tớ đi tiếp một tăng nữa tới 2 giờ sáng (gồm chơi và ăn).

An toàn. Tớ cảm thấy sự an toàn bao bọc quanh mình, dù cái lúc tớ đi ngoài đường là 2h sáng. Có hôm về muộn, hết sạch tàu điện lẫn xe bus. Bạn của Daniel chở bọn tớ về tới gần nhà, rồi hai đứa đi bộ trong màn đêm trong trẻo, yên tĩnh. Phố xá vẫn rộn đèn. Xe cộ vẫn qua lại. Có khi dừng đâu đó ăn con cá nướng kẹp trong lá dừa rất thú vị.


Tớ chỉ thấy hãi hùng khi bị giai theo ở công viên. Khi hắn chào tớ, tớ gật đầu chào lại (cộng mỉm cười). Rồi thế là cả cuộc bách bộ mát mẻ của tớ luôn bị hắn theo sau. Bỗng có lúc hắn tiến lại gần tớ, đưa một mảnh giấy. Tớ cầm, lúc sau mở ra thì thấy ghi: Josephs 0xx… (đoán là điện thoại). Tớ “méc” bác Foo (mẹ của Daniel). Bác ấy bảo: “He’s following you. Don’t look back!”

Đời sống gắn liền với thẻ. Tất cả người dân ở Singapore đều có thẻ MRT (Mass Rapid Transpot) đối với các dịch vụ di chuyển công cộng trên toàn đất nước, đó là tàu điện và xe bus. Các ga tàu điện thường bố trí ở những địa điểm đông người như trong các trung tâm mua sắm, các khu dân cư lớn. Rất nhiều trạm tàu điện nằm ở… tầng nào đó của tòa nhà mua sắm… nào đó. Thẻ MRT cũng áp dụng cho mọi tuyến xe bus của Singapore (có một dịch vụ duy nhất là SBS – Singapore Bus Services). Người ta có thể lấy bản đồ miễn phí ở mọi nơi (nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, sạp báo, bưu điện, đồn cảnh sát…).

Bác Foo đưa cho tớ cái thẻ của bác ấy để tớ “mu vinh”. Thật là tuyệt! Đi qua cửa chắn – quẹt. Ra khỏi ga tàu – quẹt. Lên xe – quẹt. Xuống xe – quẹt. Họ nạp tiền cho thẻ MRT cũng như ta nạp tiền di động và có trạm thẻ ngay tại các ga tàu điện.

Xếp hàng. Tớ hình thành ý thức rằng: cứ chỗ nào đông người là chỗ đó ngay lập tức có xếp hàng trật tự. Ý thức xếp hàng dường như ăn sâu vào suy nghĩ, thói quen của người dân, như là đi ngủ thì phải… nhắm mắt vậy. Dù ở trạm tàu xe, ở đồn cảnh sát hay ở công viên, nhà hàng, từ McDonald cho tới KFC, tất cả đều xếp hàng mà không cần phải nhắc nhở.

Ăn uống. Đồ ăn của các nước châu Á có ảnh hưởng của Trung Quốc như Singapore, Malaysia, Brunei thì đều ngọt, nhiều dầu mỡ, nhiều màu, nhiều thịt, ít rau. Loại ăn đồ nhà hàng thì chả khác gì Việt Nam. Còn loại ăn đường phố thì mới đúng chất văn hóa ẩm thực địa phương.

Tớ được các bạn trong cell (nhóm nhà thờ) của Daniel đưa đi ăn ở phố Đèn đỏ. Có gã giới thiệu cho tớ về phố này nhưng bộp một câu: “Nói thế chứ tao cũng đã vào đâu”. Theo gã thì đồ ăn ở khu này ngon nhất. Tớ ăn món khá nổi tiếng là quẩy nhúng vào sữa đậu nành nóng. Cái quẩy to gần bằng 3 ngón tay ghép lại và dài như cái thước kẻ 30 centimet. Dân ở đây rất hay uống sữa đậu nành. Tớ gọi nó là sữa… diệt dục dành cho nam giới.

Tớ cũng theo Daniel luồn lách qua mấy Food Center. Thật may là Daniel vốn thích… ăn. Toàn những cái xó xỉnh nào ở gần trường với lại khu chợ. Rồi bọn tớ ăn ở NUS – ĐH Quốc gia Singapore.

NUS gồm có 5 trường nhỏ, nằm ở 5 tòa nhà lớn riêng biệt. Mỗi tòa nhà có phòng học, thư việc, phòng đọc, phòng lab, khu học xá… riêng. Họ cũng có nhà ăn riêng. Khu sảnh nhà ăn được thiết kế với khoảng giữa rộng, mở ra không gian ngoài trời. Tại các phía tường là hàng loạt kiots đồ ăn nhỏ của các nước như: Nhật, Mã, Hoa, Ấn, Âu, và có cả gian hàng cho người ăn chay nữa. Như lời hứa khi ở Việt Nam, gã mời tớ ăn món Lươn rau của Nhật.

Gã cùng cho tớ ăn kem vỉa hè của Singapore. Rất buồn cười. Kem gói trong nilon mỏng, vuông vức như bao thuốc lá. Bóc nilon một đầu rồi cứ thế mà bóp kem lên nhai. Ăn vội vàng để còn nhảy lên xe bus (không được mang đồ ăn uống lên tàu xe).

Nhà thờ. Tớ nhắc đến nhà thờ vì Daniel theo đạo Thiên chúa. Tới nhà của gã, trong bếp có lời cầu nguyện gắn trên miếng gỗ vuông vắn, trong phòng ngủ có tấm bảng gỗ ghi lời cầu nguyện, rồi bàn học, giá sách, đàn piano… Ở Singapore không có nhà thờ kiểu như ở Việt Nam. Giáo dân thường thuê phòng nhỏ tại một ngôi trường nào đó để cuối tuần, họ đi theo một nhóm nhỏ độ hơn chục người tới đó. Căn phòng cũng có cha xứ mặc đồ công sở, có màn chiếu và laptop, có sách kinh. Mọi người ngồi trên ghế gấp văn phòng.

Tớ sang Sing đúng dịp Asian Conference – Đại hội giáo dân Thiên chúa toàn châu Á tổ chức hàng năm. Hơn 9 nghìn người đổ xô đến Expo. Thực ra Expo là nơi thường diễn ra các hội chợ, hoạt động giao lưu thương mại lớn. Nhưng Đại hội châu Á thì quá nhiều người của nhiều quốc gia tới nên Nhà thờ phải thuê địa điểm Expo để tổ chức. Bọn tớ đến từ 18h và xếp hàng tới tận 21h để đợi mở cửa. Nước uống miễn phí và các hàng ăn lúc nào cũng sẵn sàng khi ai đó giơ tay vẫy.

Cả dòng người xê dịch nửa tiếng mới vào được bên trong. Quá đông người nên nhiều khu phải xem qua màn hình lớn. Những bài hát nhạc sống (nhạc nhà thờ mà nghe như rock í) vang lên. Mọi người đứng dậy, giơ hai cánh tay lên cao, ngẩng đầu và cầu nguyện nghe cứ như là đang hét lên. Tiếng cầu nguyện âm vang khiến tớ thấy choáng ngợp. Chưa bao giờ tớ nghe những âm thanh lạ kỳ và bí ẩn đến thế.

Mọi người nắm tay nhau, quàng tay qua vai nhau và dập dìu theo tiếng nhạc dịu dàng. Kết thúc Đại hội, pháo bông nổ khắp trần cứ như từ trên trời rơi xuống, cảm giác hệt như là ngày Tết xem pháo. Rồi mấy nghìn quả bóng bay treo trên trần cũng thả rơi xuống. Những sắc màu, đèn, giấy, bóng bay hòa trộn rực rỡ. Rất tuyệt (dù tớ không theo đạo).

Thương hiệu, hàng xịn. Singapore – quốc đảo ngư sư với môi trường trong lành nhất thế giới cùng vô vàn tràn ngập các địa chỉ mua sắm đắt rẻ. Hình như nơi nào cũng có thể mua sắm bét nhè. Thì phải rồi, Singapore có hẳn vành đai mua sắm là đại lộ Orchard cơ mà.

Tớ hơi tiếc vì ở ngắn, không đi mua gì ở phố Tiểu Ấn (nhưng tớ bù lại ở chuyến đi Malaysia rồi). Tớ đã mua được 1 chiếc váy xòe trắng có họa tiết hoa đen và đỏ (một trong những chiếc yêu thích nhất trong đám váy của tớ), 1 chiếc xà rông (chuyên để khoác với bikini, trùm đi bộ ngày nắng và hiện là vật “che thân” ngủ trưa tại công sở), đồng hồ Citizen cho “má mì”, thắt lưng cho “đẹt đi” và váy ngắn cũn cho chị gái.

Trước khi về, bác Foo đưa tớ đi ăn sáng, mua cho tớ một hộp chocolate và cùng ngắm nghía hoa trong một siêu thị mini. Tớ bảo đám hoa phăng màu tím là đẹp nhất. Lúc tớ chờ bác ấy ở hàng ăn, bác ấy rời siêu thị và mang cho tớ một bó năm cành hoa phăng!

Lúc chuyển hành lý qua cửa kiểm soát, nhân viên sân bay nói với tớ: “Beautiful flower, beautiful Vietnamese girl”. Trời cuối tháng 11, tớ về Hà Nội với váy lụa Vạn Phúc màu trắng, hai dây màu trắng chấm bi xanh, áo thun Dọt-đa-nồ màu đỏ và giày thể thao to uỵch. Cái kiểu ăn mặc gớm ghiếc còn gây thêm sự chú ý với ba lô to trên lưng và một nắm hoa phăng trên tay.

Tớ nhớ cái lời của bạn Daniel rủ tớ theo Christian vì bạn ấy chỉ được cưới vợ Christian. Lời rủ rê có trong tin nhắn, trong lá thư trước khi tạm biệt, trong CD nhạc Giáng sinh của Đại hội Thiên chúa châu Á mà thỉnh thoảng tớ bật lên nghe. Thực ra là tớ đang nghe đấy!

The Unique

Thực sự thấy mệt. Sáng phải cố nuốt cái bánh mỳ ngọt. Trưa chỉ muốn ăn bánh mỳ cho xong. Chẳng cảm thấy đói. Không thấy muốn ăn. Mắt nhòa đi trước màn hình. Tìm giấc ngủ khuya để vùi thổn thức mà cũng không tròn giấc.

Thấy mình cô độc. Sẽ chẳng có ai - trừ Gia đình - bên mình trong lúc khó khăn. 

Thấy những cố gắng của mình dường như chẳng giúp được gì cho ai. Thấy sự quan tâm của mình thật lãng phí hoặc không đúng người, không đúng việc.

Hai hôm nay làm gì cũng hỏng, làm gì cũng chán, làm gì cũng đại khái.


The Unique

Con thực sự không hiểu con đã làm sai điều gì.

Buổi sáng Chủ nhật, con đi chợ và muốn nầu cái gì đó khác bữa ăn thường ngày. Vì đó là bữa ăn có Bố, có Mẹ, có Con.

Con cắm đầu vào dọn dẹp và nấu nướng từ 9 giờ sáng để muốn mọi người được nghỉ ngơi sớm sau bữa ăn. Vì đó là ngày nghỉ có Bố, có Mẹ, có Con.

Con nấu thêm một nồi chè mát cho cả nhà cùng ăn. Vì có Bố, có Mẹ, có Con.

Con đã làm gì sai hả Mẹ?

Vậy mà tới lúc con mang táo vào nhà, nhờ Mẹ dọn bàn giúp, con vẫn hồn nhiên không nhận ra rằng Mẹ không đáp lời con.

Mẹ bảo con mang cho Mẹ cốc trà đá, con bảo “Sắp ăn cơm ngay rồi, Mẹ đừng uống trà nữa”.

Đến khi con bưng mâm vào, cái bàn chưa được dọn. Con kêu lên: “Ơ, Mẹ dọn hộ con đi”.

Và Mẹ quát con: “Mày đi mà tự làm lấy. Sao cái lúc mày vào đặt táo thì không dọn luôn đi? Rồi mày SAI tao?”

Cái bàn chỉ có vẻn vẹn 1 cái ống tăm và 1 cái cốc. Nó chẳng phải là điều gì quá nặng nề với bất kỳ người nào trong Gia đình, với Con, với Mẹ.

Con nhờ Mẹ, vì con nghĩ đó là việc quá bình thường khi mọi người GIÚP nhau cho một bữa ăn ngọt lành.

Mẹ không làm, vì Mẹ nghĩ rằng con SAI Mẹ.

Mẹ cho rằng Mẹ đúng. Con cho rằng con không hề sai. Có ai chịu được khi mình làm đúng mà bị người khác kiên quyết nói là làm sai hay không?

23 năm cuộc đời con, kể từ khi con biết thế nào là SAI BẢO, đã bao giờ con SAI Mẹ cái gì chưa? Bản thân con chưa bao giờ cho mình cái quyền đó. Và Mẹ nói rằng con SAI Mẹ?

Mẹ vận cái cách nói chuyện đó sang việc con sẽ cư xử như thế nào khi con lấy chồng. Mẹ bảo rằng “Tao muốn vả cho mày mấy cái lắm rồi”. Mẹ nói Mẹ muốn hất cả mâm cơm, cả bát canh nóng vào người con. Có thực là Mẹ muốn như thế? Con đã ở cái tuổi mà đòn roi không phải là biện pháp giáo dục của Mẹ nữa rồi.

Bố nói rằng con LUÔN LUÔN phải tỏ lòng kính trọng với Bố và Mẹ. Con đã bao giờ không kính trọng Bố và Mẹ chưa? Con đã bao giờ có một câu nào xúc phạm Bố và Mẹ chưa?

Cái lúc con và Mẹ căng thẳng, Bố làm gì? Bố ngồi yên ả với cái máy ví tính, chơi game, lướt web và mặc kệ - Bố thường xuyên như thế. Đó có phải là cách cư xử đúng của một người làm chồng, làm cha không? Con hỏi riêng với Bố, rằng làm thế nào để một đứa con kính trọng bố của mình?

Tại sao lại lấy một hoàn cảnh đơn lẻ để áp cho mọi hoàn cảnh khác?

Mẹ thừa hiểu rằng con yêu Mẹ nhất cuộc đời này. Tình yêu với một thằng con trai nào đó vĩnh viễn là một cung bậc khác. Mẹ cho rằng con không bao giờ quan tâm tới cảm giác, cảm xúc, suy nghĩ của Mẹ ư? Có thật là Mẹ nghĩ như thế không?

Nếu con không quan tâm thì con đã không được như bây giờ.

Còn Mẹ? Mẹ có biết rằng con yêu Mẹ không? Mẹ có biết rằng mọi quyết định về tương lai, con đều nghĩ đến Mẹ không? Mẹ có biết là bây giờ con đang khóc không? Con buồn lắm.

Và con nhận ra rằng, trong Gia đình mình, XIN LỖI là điều quá hiếm hoi. Ta có làm ơn, có cảm ơn. Ta có phạm lỗi, rất nhiều lỗi. Nhưng XIN LỖI là điều mà CHỈ CÓ những đứa con mới làm. Còn Bố và Mẹ thì không.

Con biết rằng con có quá thừa lòng kính trọng và sự biết ơn. Con viết hoa từ Bố và Mẹ. Con cũng có quá thừa sự sẵn lòng để nói xin lỗi, nhưng con không dành lời xin lỗi cho điều này.

Ai đó sẽ nói rằng họ thể hiện lời xin lỗi bằng hành động, và rằng hành động thì hơn nhiều so với lời nói.

Nhưng nếu lời nói đã quá KHÓ KHĂN thì hành động liệu có thể ư?

Labels: , 0 comments | edit post
The Unique
Trước chuyến đi

1 năm


Hình thành một đội quân 6 người gồm: Thần i, chị Hương già, chị Yếm đào, Thủy nhà mình, Mạnh móm của Thủy nhà mình, và mình – Gái út. Sự tham gia có đứt đoạn (ví dụ như anh Mạnh mới quen Thủy nhà mình cách đây vài tháng nên khi hắn book vé thì hơi muộn nên giá gấp đôi).


Book vé rẻ của Air Asia – Now every one can fly! Đúng như phương châm đỏ rực của hãng, giá vé tổng cộng cho 5 chặng bay (trong 15 ngày) là 3,2 triệu VND. Giá vé = 0, có nghĩa là chi phí khách phải trả là phí dịch vụ, phí xăng dầu, lệ phí sân bay gì gì đó.

Book càng sớm thì càng giá rẻ và càng thuận lợi trong trường hợp cần thay đổi lịch trình riêng. Book online giá lại rẻ hơn book trực tiếp. Hãng gửi confirmation qua email và thường xuyên gửi mail xác nhận nếu có thay đổi lịch bay. Việc thường xuyên kiểm tra lại thông tin với hãng là một khâu quan trọng để sắp xếp hành trình du lịch.

1 tháng

Mua balo. Mặc dù balo của mình cũng là hàng ngon của Deuter nhưng phải thừa nhận là sức chứa 100 lít là quá nặng so với cục chocolate 44kg cao 1m50 như mình. Mình có nói với 1 bạn receptionist ở Kinabalu về các anh chị phượt chuyên nghiệp bằng cụm từ “Professional Backpacker” và hắn tỏ ra rất ngạc nhiên. Cả đời làm receptionist cho cái backpacker hostel của hắn, chắc đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng hắn nghe thấy cụm từ Professional Bacpacker “Made in Vietnam” này.

Theo các “dân anh chị” này thì hàng phượt của North Face là rất ổn. Áo khoác Nót Phệt (đi rừng, leo núi, chống mưa, nhẹ), balo Nót Phệt, Camping tent Nót Phệt (màu bạt bộ đội, lúc dựng trông giống một con dơi đang bám chặt mặt đất)…


Quay lại với vụ mua sắm. Mình lên 50 Cầu Gỗ, mò vào 1 con hẻm có độ rộng đủ cho 2 người… lách qua nhau. Tối mò. 1 cái kho nhỏ nhưng lèn kín các loại balo du lịch. Balo của mình trị giá 370 nghìn VND, màu đen pha xanh chuối. Đẹp và nổi bật.


Balo có mũ nắp, đáy giả (để tăng thể tích), các túi sườn. Balo có cả 1 balo con di động, có thể tháo rời để đi gọn nhẹ. Chiếc balo con có thể đựng quần áo để thay, áo khoác, khăn, kính, giấy ăn, bánh kẹo, chai nước và một số vật dụng thiết yếu cho một cuộc đi ngắn.


Quai đeo được giấu trong miếng phủ ở lưng, khi kéo khóa ra để dùng quai đeo thì miếng phủ có thể cuộn lại nhét vào phần đáy hở thiết kế sẵn cho riêng nó. Miếng phủ có thể kéo ra để ngồi nghỉ. Balo có quai trên đỉnh và quai xách ngang. Ngoài dây đeo chính, balo có đai đeo hông dầy hự, đai đỡ phần ngực và dây kéo ở vai. Thần I bảo những cái đó là để dồn sức nặng vào phần hông, thả lỏng cho vai.


Chu trình đeo balo: Tay nhấc quai đỉnh, đặt balo lên đùi. Xỏ vai vào quai đeo trong tư thế đùi đang đỡ balo để tránh sức nặng làm gẫy các khóa gài bằng nhựa. Khi balo đã trên lưng thì xốc lên, cài đai hông. Xốc tiếp lần nữa và thít chặt dây hông. Gài đai đỡ ngực và thít dây. Hai tay cầm 2 đầu dây thít cầu vai, kéo mạnh để balo áp sát lưng, tránh bị trĩu.


Mình đã hoàn toàn yên tâm về quả balo. Cảm ơn Anh.


1 tuần


Shopping. Mua sắm quần áo. Nghe đồn chuyến đi lượt phượt nên cần chọn quần hộp, quần ngố rộng. Bỏ tiền triệu để mua 4 cái quần ngố to đùng, 1 cái váy thô, 3 cái áo phông. Hóa ra ngắm nghía thì quần áo của mình ở nhà cũng thừa cho 15 ngày và mỗi ngày 1 chiếc áo khác nhau.


Đoàn mình đi, có Thần I được mệnh danh là “Đam mê giặt giũ”, còn chị Hương già được gọi là “siêu bửn, siêu nhẹ” vì hắn mang đủ quần áo cho 15 ngày mà ko giặt bất cứ cái gì. Hắn – đơn giản là – gói mang về. Lại còn bảo: “Mình đi về mà còn thừa đồ sạch thì thật đáng xấu hổ”, hô hô. Anh Mạnh móm xài sang nhất vì chơi hẳn quả laundry của hostel mới máu chứ! Đúng là nhà giàu đi phượt cũng khác!

Cảm ơn Anh.

1 ngày

Lo đủ tiền (chạy vạy khắp nơi, hô hô) và đi đổi (thiếu đô nữa chứ, hô hô). Cầm đi 970 USD mà lòng nặng trĩu vì không biết có đủ dùng trong 15 ngày vạ vật hay không. Thì thôi, cứ đi đi xem nào. Chết thì có... chị gái và anh rể lo! Cũng có một số sự mệt mỏi từ phía phụ huynh, nhưng mà cũng chả nghĩ ngợi được thêm gì nữa.


Nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, hồi hộp chờ đợi, kiểm tra lại đồ đạc lần cuối (có mấy cái “lần cuối”). Cân lại balo để chắc chắc độ nặng của nó. Check mail lần cuối (vì đã tự hứa với lòng mình là sẽ quyết không check mail trong suốt chuyến đi, hứa danh dự í). Để lại lời nhắn Vacation trong mail.

Tắt đèn đi ngủ. Sáng mai sẽ bay từ 9h ở Nội Bài sang Kuala Lumpur.

Cảm ơn Anh.

Học được khá nhiều từ những sự chuẩn bị để có được một chuyến đi du lịch chuyên nghiệp và nghiêm túc. Nó cũng hệt như chạy một dự án, làm một chương trình (như người ta tổ chức tour mà). Tất cả cùng làm, cùng chia sẻ, cùng hỏi han, cùng tìm kiếm. Tự mình phải tính toán để giữ những đồng tiền lương thiện cho chuyến đi, tự lẩm nhẩm tiêu cái gì, bao nhiêu... Tự mình tính toán xem với sức mình và với cái balo (đi và về) thì nên mang đồ như thế nào...

Hoàn toàn hài lòng về khâu chuẩn bị.
The Unique

Sáng 19/8. Mình đi chợ về, không ăn mì vì sợ nóng nên định rang cơm. Hắn đòi ăn cùng. Ừ.

Mình đã mua táo và rửa sạch để trong rổ. Nhưng mình định ăn cơm xong sẽ ăn nửa quả thanh long cơ.

Ăn xong, bát cơm rang của hắn còn một miếng thịt, hắn gọi con Phelps và ném vèo xuống sàn nhưng con Phelps không ăn (lúc này hắn đã đi vào nhà).

Mình bỏ bát vào bồn rửa, lấy cái thìa ngắn để ăn thanh long. Mình đặt thìa lên đám quả táo mọng nước (tức là có nghĩa thìa cũng phải sạch rồi).

Đang loay hoay rửa cốc, quay lại thấy hắn gào lên với con Phelps: “Cái con chó này, không ăn à?”. Và hắn lấy ngay cái thìa sạch – cái thìa ngắn duy nhất ở nhà – cái thìa phù hợp nhất để ăn thanh long của mình để gợt miếng thịt dưới đất lên đi vứt.

Mình gào lên: “Ơ hay, thìa của em để ăn thanh long, sao bé lại… Rửa lại ngay cho em!” (xẵng giọng).

Hắn vùng vằng: “Ai mà biết thìa sạch hay bẩn. Cùng lắm thì lấy thìa khác, có làm sao đâu”.

Mình bảo: “Không phải chuyện cái thìa (vì mình chọn cái thìa đó là có lý do chứ không phải chọn phứa một cái), mà là cách ăn nói của bé. Nếu đã làm sai thì phải nhận lỗi. Có ai đem cái thìa bẩn đặt lên mấy quả táo đã rửa sạch không?”

Hắn bảo: “Nói kiểu gì? Chả làm sao cả”.

Mình bảo: “Cái kiểu nói rất khó chịu, rất mất lịch sự”.

Hắn bảo: “Thôi không nói nữa”.

Mình bảo: “Lại cả cái kiểu nói này nữa”.

Quả tình là chị gái của mình luôn cho rằng hắn không sai lầm gì cả. Trong những trường hợp tương tự, câu đầu tiên của hắn là vùng vằng và bảo: “Cùng lắm là… cái khác”. Câu cuối là: “Thôi không nói nữa”.

Như cái lần hắn mượn đĩa phim của mình, như cái lần hắn đánh mất tai nghe của mình mà không chịu nhận, như cái lần hắn uống hết 2 lon nước mà bạn mình mua riêng cho mình. Mình không thể hiểu được tại sao người ta chỉ nghĩ rằng sự cao thượng là dành cho những cái lớn lao chỉ có vài lần trong đời, còn lòng ích kỷ thì lại sẵn sàng dành cho mọi thứ bình thường quanh mình hàng ngày hàng giờ.

Mẹ rất ghét kiểu ăn nói vô duyên, mất lịch sự, vô lễ (hỗn) này và nói không biết bao nhiêu lần. Tại sao khi sai thì không nói rằng: “Bé xin lỗi, để bé rửa lại”?????