The Unique



“Mạn đàm về người man di hiện đại”

Từ những tư liệu “chết”, bộ phim dài 4 tập về Nguyễn Văn Vĩnh cuối cùng cũng được hoàn thành, được trình chiếu trước các nhà khoa học, các lãnh đạo và con cháu của cụ. 200 phút dường như vẫn quá ngắn so với một nhân cách lớn của “Người man di hiện đại”, của “Tân Nam tử”. Nhưng 200 phút cũng phần nào dựng nên hình ảnh một Nguyễn Văn Vĩnh luôn mang trong mình lòng tự tin dân tộc, tự tin vào tương lai văn hóa Việt Nam.

Bộ phim “Mạn đàm về người man di hiện đại” giúp người ta hiểu sâu hơn về Nguyễn Văn Vĩnh. Đó không chỉ là một dịch giả nổi tiếng, không chỉ là một nhà báo kỳ tài, mà còn là một con người thâu tụ được cái tính cách Pháp lịch thiệp, cộng với lòng tự tin hiếm có. Nói như thế không có nghĩa là quay lưng lại với tính cách “cần cù chịu thương chịu khó thông minh nhạy bén” của người Việt Nam, mà là tư duy và ứng xử dân chủ phương Tây.

Ngay cả đối với con mình, Nguyễn Văn Vĩnh vẫn giữ phong cách ứng xử đầy lịch lãm kiểu Pháp: “Này, chị khéo tay, chị cắt giúp thầy cái móng tay nhé!”. Cái thế của bề trên hoàn toàn cho phép cụ xẵng giọng, cho phép cụ “cao giọng” đấy chứ! Rồi cụ nhận biết rằng người làm báo là phải năng động, và cụ dí dỏm: “làm báo phải biết đi mô tô”. Và những lời kể về bước chân nhảy, tiếng huýt sáo dí dỏm khiến người ta thấy gần gũi hơn khi được nghe kể về một “người khổng lồ” như thế.

“Khổng lồ” mà cũng rất khiêm nhường: “Tôi chỉ là một người man di hiện đại”, khiêm nhường ở việc không sợ nhận mình thua kém thế hệ sau, không sợ nhận mình thua kém phương Tây. Cả cuộc đời Nguyễn Văn Vĩnh là học, đọc, lĩnh hội, và đưa tri thức vào cuộc sống nước nhà. Cụ “đọc tất cả những gì rơi vào tay mình”.

Trong chuyến đi dự Hội chợ thuộc địa, khi tới thăm nhà hát ở Pari, được xem kịch phương Tây, Nguyễn Văn Vĩnh đã hào hứng vỗ tay, mừng vui khi thấy nước Pháp có nền văn hóa rộng lớn. Lá thư cụ gửi về đã đủ cho thấy cái tầm của một nhà văn hóa lớn, cho dù người bạn bên cạnh đã nói những điều bất nhã, đã coi cụ là “giả dối, nịnh bợ”, vì ông ấy không hiểu nhiều tiếng Pháp và văn Pháp như cụ. Hóa ra, tính cách “sợ người khác hơn mình”, “xấu xa đậy lại” đã có từ thời ấy và tồn tại đến tận bây giờ ở cái xứ An Nam – Việt Nam này.

Nhưng điều quan trọng bao trùm tất cả là bộ phim đã giới thiệu một người yêu nước Nguyễn Văn Vĩnh. Đã từng có thời gian, người ta gọi Tân Nam tử bằng những cụm từ như “bồi bút”, “bán nước”, “theo Tây”,... Những người con, người cháu của cụ đã từng bị gọi là “con cháu của kẻ phản bội”. Nhưng, chính cái gen uyên bác được thừa hưởng từ cụ mà hậu thế của cụ đã đứng dậy, đã bước trên đôi chân của chính mình để tự khẳng định. Và họ vẫn luôn tự hào vì được làm hậu duệ của cụ, luôn mong mỏi làm được thật nhiều việc cao cả để xứng đáng với niềm vinh dự ấy.

Hãy khoan nhắc tới quan điểm “lịch sử cụ thể”, và tạm đặt nó tách khỏi tư duy khoa học cũng như tách khỏi lòng yêu nước. Nguyễn Văn Vĩnh yêu nước theo cách riêng, theo con đường riêng mình. Không một nhà nghiên cứu văn học, báo chí, ngôn ngữ nào lại không nhớ câu nói nổi tiếng của cụ: "Nước Nam ta mai sau này, hay hay dở cũng ở chữ quốc ngữ".

Câu ấy nói lên điều gì? Đó là niềm tin sắt đá, là lòng tự tin của Nguyễn Văn Vĩnh vào tương lai đất nước. Có nghĩa là, có thể dựng đất nước bắt đầu từ văn hóa, cái nền tảng muôn đời vững chắc nuôi sống tâm hồn và tính cách dân tộc. Có chữ viết, một dân tộc hoàn toàn có thể sánh hàng với những nền văn minh tiên tiến khác. Phát triển chữ quốc ngữ là sự khẳng định chủ quyền, khẳng định sự tồn tại và bền vững của đất nước. Điều này được khẳng định trong bài diễn thuyết ngày 26-6-1907 ở Hội Trí Tri Hà Nội để lập Hội dịch sách:

"Ở thế gian này, xem trong các nước, phàm nước nào đã gọi là nước văn minh, là cũng có văn chương riêng cả, tiếng nói thế nào, chữ viết như thế. (...) chữ có là ảnh tiếng nói thì mới dùng để truyền bá hay đi trong nước ai ai đều học được cả. Cách truyền tư tưởng đi có hai cách: một là lấy miệng mà nói, thì chỉ ai đứng nghe nói thì nghe được mà thôi, mà nói xong nhời nói có nhẽ quên đi được. Một cách nữa là nghĩ điều gì hay, làm ra sách thì tư tưởng truyền đi được xa, mỗi quyển sách in ra nhiều người đọc được, mà không đọc khi này, đọc khi khác, có nhãng lại có thể đọc lại được (...)

Có họa bây giờ, những người học được các sách hay của ngoại quốc, mà cố đem tiếng bản quốc dịch ra rõ được ít nào hay chút ấy, thì người ta xem đến, dẫu không biết được hết nghĩa, nhưng cũng vỡ được đại khái, khi đã có nhiều người nghe phang phác được cái tư tưởng của người ta, rồi lúc bấy giờ có mượn những tư tưởng ấy mà làm ra sách nôm thì ta mới có nhiều người hiểu.

(...) bây giờ đem sách người mà dịch ra tiếng bản quốc, nếu cứ dịch cho đúng từng chữ thì xem không hiểu được. Tất phải dịch lấy nghĩa. (...) Chúng tôi cũng biết rằng sách dịch ra bây giờ, đời sau là có người chê, nhưng có thế mới gọi là tiến bộ, chúng tôi cũng sẽ thỏa lòng rằng: mình đã có cắm nêu lên trước, cho nên mới có kẻ theo hút sau.

Không chỉ dừng lại ở sự cần thiết truyền bá tư tưởng bằng chữ viết, Nguyễn Văn Vĩnh còn suy nghĩ thiệt hơn về quá trình sử dụng chữ, áp vào thực trạng dân trí An Nam, từ “vỡ được đại khái” rồi đến “nhiều người hiểu”.

Bàn về việc sử dụng chữ, cụ nói: "nước Nam có muốn hòng một mai tiếng nói có thể nhiều tiếng ra, tiếng nhiều vần thêm bớt vô cùng, thì phải dùng một lối chữ có vần. (...) Vả chữ viết có in tiện, thì dùng mới tiện. Như lối chữ quốc ngữ, thì có 25 chữ, sắp lại tiện mà chóng lắm. Còn như cái chữ nôm của mình ngày xưa, thì thực nên bỏ. Chữ phải có mẹo mực, chớ một chữ mà đọc nhiều cách viết nhiều cách được, thì khó học lắm.

Cụ còn đi vào cụ thể hơn nữa: “dịch sách nào trước?”. Cụ cho rằng: “dân mình xưa nay trí khôn chỉ là là mặt đất cũng chưa với đến được. Chắc các ông vào việc dịch sẽ chọn những sách phổ thông. Mỗi thứ phải có một ít, cách trí, bác vật, hóa học, toán học, cơ khí học, thương mãi học là điều cốt nhất, (...) dịch một hai điều cao kiến như kinh tế học, chính trị học”.(...) Còn như sách nho, (...). Giá bây giờ dịch ra tiếng nôm, mỗi bài chính văn lại lấy nhời nhẽ nôm mình mà bàn cho kháp vào thực sự thì có nhẽ hay”.

(Nguyễn Văn Vĩnh. Trích trong Đăng cổ tùng báo số 813 và 814)

Vào cái thời mà 90% dân số mù chữ, cái thời mà văn chương còn quá ư là mới mẻ và khiến nhiều người bỡ ngỡ, Nguyễn Văn Vĩnh đã cùng những người yêu nước làm thành công cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỷ 19, vượt qua những rào cản tượng hình của chữ Hán và chữ Nôm để có mặt chữ quốc ngữ sáng rõ, dễ sử dụng.

Chỉ riêng việc mở rộng chữ quốc ngữ thôi, cả dân tộc Việt Nam đã đủ lý do để biết ơn Nguyễn Văn Vĩnh suốt đời. Nhờ có mặt chữ latinh mà không chỉ người Việt Nam tiếp thu chữ viết dễ dàng hơn mà còn giúp văn hóa, văn học, văn tự Việt Nam tiến gần hơn tới văn minh thế giới mới.

Cái gốc của sự tự tin chính là lòng ham học. Lòng tự tin xuất phát từ “cái thế” của con người. Và nếu như mỗi người Việt Nam đều học được ít nhiều từ cái gốc ấy, thì cũng ít nhiều có cái thế để mà tự tin. Nhưng trước hết, hãy biết tự tin và tự hào vì đất nước có một con người như Nguyễn Văn Vĩnh, tự tin khi được thừa hưởng những giá trị văn hóa mang tầm quốc gia dân tộc mà cụ mang lại cho chúng ta.

Là người Việt Nam, tôi không cho phép mình quên quá khứ dân tộc. Điều này cũng có nghĩa là tôi đang nhìn mọi sự bằng suy nghĩ, bằng tấm lòng của tôi.

Và là người Việt Nam, tôi mong mỏi cho bộ phim được công bố rộng rãi, được đón nhận một cách công bằng.

NGUYỄN HOÀNG QUỲNH HƯƠNG

0 Responses

Post a Comment